Phát động đợt cao điểm phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

15:16, 08/05/2025

Ngày 7/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (ATTP). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình vi phạm về hàng giả, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhân dân như thuốc chữa bệnh, sữa bột và thực phẩm (TP) chức năng đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên Phát động đợt cao điểm phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát động đợt cao điểm phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.

Thuốc giả, thực phẩm bẩn: Không thể để “có luật mà vẫn lọt tội”

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, bị cơ quan công an phát hiện và khởi tố. Điển hình là các vụ làm giả sữa, thuốc chữa bệnh, TP bảo vệ sức khỏe, mì chính, hạt nêm, dầu ăn… diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Thủ tướng liên tục ban hành 3 công điện tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sữa, TP chức năng, thuốc giả. Bộ Y tế là cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về ATTP, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý TP chức năng, thuốc điều trị theo phân công.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị này nhằm triển khai các giải pháp cấp bách trong công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán thuốc, mỹ phẩm và TP bảo vệ sức khỏe giả.

Theo Thứ trưởng, dù đã có Luật Dược, Luật An toàn TP cùng nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, tình trạng thuốc và TP chức năng giả vẫn diễn ra phức tạp, khiến dư luận lo ngại. Điều này chứng tỏ các khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa thực sự đảm bảo tính răn đe và hiệu quả thực thi.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu câu hỏi: “Tại sao đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên môn, của các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp… vẫn xảy ra các vụ việc thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, sữa giả?”

Các vụ việc này đã và đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an và công an một số tỉnh thụ lý điều tra làm rõ sai phạm theo quy định. Vì thế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu rà soát lại xem về thể chế có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì để các văn bản, thể chế chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, ngay trong tháng 5 này, Bộ Y tế - Thường trực BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP tổ chức phát động đợt cao điểm phòng chống thuốc giả, TP chức năng giả. Các địa phương cần triển khai ngay các đoàn kiểm tra ở 63 tỉnh/thành phố từ nay đến hết tháng 5 với nhiều cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 10/6. Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/6.

Tăng kiểm tra đột xuất, truy tận gốc vi phạm

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị 17 của Ban Bí thư về vấn đề ATTP, siết chặt quản lý về đăng ký, tự công bố, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay vì kiểm tra theo định kỳ, kế hoạch, thông báo trước…

Thứ trưởng cũng cho rằng cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý TP chức năng, xử phạt thật nặng để có sức răn đe, nếu không rất khổ cho cơ quan quản lý nhà nước, khổ nhất là cho người dân, đồng thời cần kiểm nghiệm định kỳ. Ngoài ra, ông kêu gọi các nhà khoa học trong ngành y, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, từng làm quản lý hay chuyên môn, không tham gia hoạt động quảng cáo sai quy định, vi phạm pháp luật.

Với thuốc, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thu hồi ngay các sản phẩm thuốc giả đã công bố, đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra trên địa bàn, đặc biệt là cơ sở bán buôn, bán lẻ, chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của thuốc để phát hiện thuốc giả.

Vĩnh Long tăng cường hoạt động truyền thông và kiểm tra, giám sát về ATTP.
Vĩnh Long tăng cường hoạt động truyền thông và kiểm tra, giám sát về ATTP.

Các đơn vị khi phát hiện thuốc giả cần quyết liệt, cần thiết chuyển cơ quan điều tra, truy tìm tận gốc cơ sở sản xuất, đầu mối kinh doanh để xử lý, không chỉ dừng lại ở việc lập biên bản.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kêu gọi các nhà khoa học trong ngành y, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, từng làm quản lý hay chuyên môn, không tham gia hoạt động quảng cáo sai quy định, vi phạm pháp luật.

Tại Vĩnh Long, theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP với việc tăng cường hoạt động truyền thông và kiểm tra, giám sát về ATTP.

Các cơ quan chức năng thuộc ngành y tế, công thương, nông nghiệp, công an... đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất, phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trong các đợt cao điểm. Tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP theo kế hoạch và các đợt đột xuất. Qua đó, đã kịp thời phát hiện xử phạt các cơ sở vi phạm, hạn chế nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và phòng ngừa việc sản xuất, kinh doanh thuốc, TP bảo vệ sức khỏe giả; bảo đảm chất lượng, an toàn, tác dụng và hiệu quả điều trị cho người sử dụng, Sở Y tế đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc, TP bảo vệ sức khỏe giả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo bộ phận có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các thuốc, TP bảo vệ sức khỏe do cơ sở kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh