Ôn thi Toán, Lý- rèn tốc độ, đọc kỹ đề, lý thuyết là nền tảng

15:21, 07/05/2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lần đầu tiên học sinh lớp 12 sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý cấu trúc đề thi có nhiều thay đổi, vậy để ôn thi tốt cần lưu ý gì. Hãy cùng trao đổi với những giáo viên nhiều kinh nghiệm ở trường phổ thông, để đạt phong độ tối đa khi thi Toán, Lý. 

Học sinh lớp 12 đã ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 tới.
Học sinh lớp 12 đã ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 tới.

Toán- sự thay đổi đáng kể 

Theo thầy Nguyễn Bình Nguyên- giáo viên Toán, Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh), bài thi minh họa môn Toán theo chương trình mới, đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các năm trước.

Cấu trúc đề gồm 3 phần chính; trong đó, có 12 câu trắc nghiệm khách quan, 4 câu hỏi đúng/sai và 6 câu trả lời ngắn, thời gian làm bài 90 phút. 

Theo đó, phần trắc nghiệm khách quan mỗi câu có 4 lựa chọn, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Câu hỏi đúng/sai là định dạng hoàn toàn mới. Mỗi câu có một bối cảnh chung và 4 nhận định liên quan. Thí sinh phải xác định tính đúng/sai của từng nhận định.

Thầy Nguyễn Bình Nguyên
Thầy Nguyễn Bình Nguyên

Thầy Nguyên cho biết: “Điểm đặc biệt của dạng câu hỏi này là chỉ đạt điểm tối đa là 1 điểm khi đúng cả 4 ý, đúng ít hơn sẽ nhận điểm giảm dần lần lượt là 0,5, 0,25 và 0,1 điểm. Đây là thách thức với học sinh vì các ý thường liên quan, đòi hỏi sự chính xác và hiểu sâu vấn đề”. 
Đối với dạng câu trả lời ngắn, thường gắn với tình huống thực tế, thầy Nguyên khuyên học sinh rèn kỹ năng đọc hiểu đề bài dài và khả năng tự tìm ra kết quả chính xác, hạn chế việc đoán mò đáp án.

Từ cấu trúc và những thay đổi trên, trong quá trình ôn tập, để đạt điểm trung bình trở lên, thầy Nguyên lưu ý: “Các em cần nắm vững lý thuyết và công thức cơ bản để làm tốt phần 1; luyện tập dạng đúng/sai, tập trung vào các ý đầu thường dễ hơn. Song song đó, thực hành các bài toán thực tế trong sách giáo khoa để giải quyết phần 3”.

Đặc biệt, thầy Nguyên cho rằng muốn đạt điểm 8 trở lên, học sinh cần ôn luyện các chuyên đề Toán lớp 10, 11, 12 như quy hoạch tuyến tính, tối ưu, lãi suất, lý thuyết đồ thị. Đồng thời, nắm vững kiến thức mới về xác suất: xác suất có điều kiện, toàn phần, công thức Bayes; tăng cường giải các bài toán gắn liền với thực tiễn và thực hành qua nhiều đề thi thử từ các nguồn uy tín để rèn kỹ năng và kinh nghiệm.

Để tránh mất điểm đáng tiếc, thí sinh cần lưu ý đọc kỹ yêu cầu đề bài và thực hiện chính xác, đặc biệt trong các bước tính toán trung gian để đảm bảo kết quả cuối cùng đúng yêu cầu. Thầy Nguyên lưu ý khi đọc hiểu bài: “Đọc cẩn thận từng chữ, không đọc lướt. Gạch chân từ khóa, yêu cầu chính, điều kiện ràng buộc, chú ý các từ phủ định “không”, “sai”; phân biệt rõ các thuật ngữ toán học dễ nhầm lẫn và lưu tâm đến đơn vị và các điều kiện ẩn.

Lý- rèn tốc độ làm bài

Thầy Lê Trung Minh Phong- giáo viên Lý, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) cho biết cấu trúc đề thi môn Lý, dựa trên đề tham khảo gồm có 3 phần với tổng số 28 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút. Trong đó, phần 1 gồm 18 câu trắc nghiệm khách quan; phần 2 có 4 câu trắc nghiệm đúng/sai; phần 3 là 6 câu tự luận, yêu cầu thí sinh giải bài tập và trình bày lời giải.

Theo thầy Phong, đề tham khảo 2025 có cấu trúc khác biệt so với đề thi theo chương trình 2006, với việc bổ sung các phần thi mới nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực của học sinh.

Để làm tốt bài thi Lý, học sinh cần luyện tập làm đề thi thử trong điều kiện thời gian giới hạn để làm quen với áp lực phòng thi và rèn kỹ năng quản lý thời gian. 

Thầy Lê Trung Minh Phong
Thầy Lê Trung Minh Phong

Thầy Phong đề nghị: “Phân chia 50 phút làm bài một cách khoa học cho các phần, phần tự luận thường đòi hỏi nhiều thời gian hơn để giải và trình bày. Nên bắt đầu với những câu dễ, quen thuộc để tạo sự tự tin và đảm bảo điểm số ở những phần chắc chắn. Dành thời gian cuối giờ để kiểm tra lại các câu đã làm, đặc biệt là phần tự luận để tránh sai sót đáng tiếc”. 

Đọc chậm và kỹ đề, tránh nhầm lẫn dữ kiện, chú ý từ khóa, cụm từ quan trọng; nếu không biết chắc chắn đáp án, hãy sử dụng phương pháp loại trừ để thu hẹp phạm vi lựa chọn. Rèn luyện tốc độ đọc hiểu và làm bài để hoàn thành tất cả các câu hỏi trong thời gian quy định. Không nên sa đà vào một câu hỏi quá khó, hãy đánh dấu và quay lại sau nếu còn thời gian. 

Với môn Lý, học sinh cần nắm vững lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa và tài liệu tóm tắt. Hiểu rõ các định nghĩa, định luật, công thức và đơn vị đo của các đại lượng vật lý. Thầy Phong nhấn mạnh: “Phần câu hỏi đúng/sai đòi hỏi nắm vững lý thuyết rất chắc, vì chỉ cần xác định sai một ý là không có điểm cho cả câu. Học sinh cần ôn tập kỹ các khái niệm, định nghĩa, tính chất, đặc điểm của các hiện tượng và đại lượng vật lý. Nếu không nhớ chính xác, hãy cố gắng suy luận logic dựa trên các kiến thức liên quan. Liên hệ với các ví dụ, ứng dụng thực tế để kiểm tra tính đúng/sai của các ý”. 

Đồng thời, thầy Phong lưu ý học sinh tỉnh táo trước những câu hỏi mẹo, phân tích kỹ đề bài xác định rõ đại lượng cần tìm và các dữ kiện đã cho, phân tích mối quan hệ giữa các đại lượng. Nếu cần, hãy vẽ hình hoặc sơ đồ để minh họa.

Nhìn chung, khi làm bài các môn Toán, Lý, học sinh cần sử dụng thời gian làm bài hợp lý và tuyệt đối không bỏ trống câu trắc nghiệm hoặc đúng/sai; nếu không chắc chắn, hãy dùng phương pháp loại trừ để đưa ra phán đoán cuối cùng. Bằng cách nắm vững những lưu ý trên, các em sẽ tự tin hơn khi làm bài và tránh được những sai sót không đáng có, từ đó đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi. 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh