Nuôi thủy sản trong mương vườn tăng thu nhập

15:40, 06/05/2025

Thời gian qua, nhiều nông dân tận dụng ao, mương vườn sẵn có để nuôi thủy sản (TS), đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nông dân tận dụng ao, mương vườn để nuôi thủy sản.
Nông dân tận dụng ao, mương vườn để nuôi thủy sản.

Theo ngành chức năng, bên cạnh hình thức nuôi TS trong lồng bè đặt trên sông, nông dân đã mở rộng phát triển thêm các mô hình nuôi TS theo nhiều hình thức đa dạng như: nuôi trong hầm, ao, mương, nuôi vèo đặt trong ao, nuôi trên ruộng, nuôi trong bồn gạch… Trong đó, mô hình nuôi trong mương vườn đem lại thu nhập khá cho người dân.

Nuôi cá sặc rằn trong mương vườn, cô Nguyễn Thị Đừng (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Cá rất mau lớn, ít tốn thức ăn nhờ một phần cá tự tìm thức ăn trong thiên nhiên (rong, rêu, cua, tép). Tôi cũng trồng thêm rau muống, lục bình dọc mé mương để cá có thêm thức ăn, chỗ trú. Mỗi ngày tôi chỉ rải thêm ít cám và thức ăn viên. Tôi nuôi được hơn 6 tháng rồi, còn khoảng 2 tháng nữa thì thu hoạch, đàn cá phát triển rất tốt, tỷ lệ hao hụt cũng ít, dự tính sau khi bán sẽ có thêm thu nhập khá”.

Áp dụng mô hình đào mương trong vườn, trên trồng cây ăn trái xen rau màu, dưới mương trồng bông súng, nuôi ốc bươu đen, cá đồng đặc sản, chú Trương Hoàng Phương (ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cho biết: “Trong vườn tôi trồng nhãn, dưới mương thì tôi nuôi cá trắm cỏ, cá tai tượng, cá mè vinh, ốc bươu đen. Ốc bươu đen sau khi thả giống sau 3 tháng thì có thể thu hoạch, 1 tháng ốc sẽ cho thu hoạch trong khoảng 7 ngày, với giá bán 40.000-50.000 đ/kg, tôi có thêm lợi nhuận”. Theo chú Phương, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần đa dạng hệ sinh thái, cải tạo nguồn lợi TS trên cùng một diện tích sản xuất.

Theo nhiều nông dân, nuôi cá trong mương vườn có nhiều lợi ích. Ngoài ra lượng bùn đáy do thức ăn thừa của cá, phân cá… lắng tụ xuống là nguồn phân bón tốt cho cây trồng trong vườn. Nước ao cũng là nguồn nước để tưới cây. Tuy nhiên, để nuôi cá trong mương vườn đạt hiệu quả, ngoài việc áp dụng các kỹ thuật chung trong nuôi cá ao, theo người nuôi, cần lưu ý nước dưới ao mương phải sạch, không bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, hóa chất, chất thải, bảo đảm an toàn cho các loài cá nuôi.

Cần ưu tiên chọn các loài cá có cơ quan thở phụ và tận dụng được các sản phẩm dư thừa trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt như cá tai tượng, cá sặc rằn, cá mè vinh… Nên thả ghép để cá tận dụng tốt các loại thức ăn sẵn có (kết hợp với thức ăn viên).

Ông Hà Văn Thái- Bí thư Đảng ủy xã Trung An (huyện Vũng Liêm) cho biết: Thời gian qua, xã cũng khuyến khích nông dân phát triển các mô hình nuôi TS có hiệu quả. Tính đến nay, xã có trên 100ha nuôi TS chủ yếu là nuôi mương, ao hồ của hộ gia đình.

Tại huyện Trà Ôn, phát triển mô hình nuôi TS trong mương vườn đem lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân. Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch xã Tân Mỹ, cho biết: Toàn xã có 33,5ha nuôi TS, chủ yếu nuôi kết hợp mương vườn. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế vườn, đưa màu xuống ruộng, tận dụng mặt nước ao hồ nuôi trồng TS.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, phát huy các lợi thế sẵn có, ngành chức năng cũng đã hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng các đối tượng TS theo nhiều mô hình khác nhau.

Ông Tăng Tấn Lực- Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật và Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trong năm qua, trung tâm đã xây dựng gần 40 mô hình trình diễn các đối tượng TS có giá trị kinh tế. Trong đó: 29 mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo (mỗi mô hình nuôi 5.000 con/100m2 vèo lưới) tại huyện Tam Bình và huyện Trà Ôn; 9 mô hình nuôi thâm canh cá sặc rằn trong ao (mỗi mô hình nuôi 50kg cá giống/500m2, tương đương 10.000 con/500m2 mặt nước) tại huyện Vũng Liêm. Theo đó, trung tâm hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi ếch, cá sặc rằn… giúp người nuôi áp dụng quy trình nuôi an toàn thực phẩm cho từng đối tượng nuôi thuộc kế hoạch.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các mô hình nuôi TS và gắn với liên kết trong sản xuất không chỉ đem lại lợi ích cho người nuôi trồng nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, số lượng, giá cả để cung cấp sản phẩm an toàn thực phẩm, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh