Những ngày đầu tháng 5, hình ảnh sầu riêng (SR) được chất đống, bán đầy vỉa hè với giá chỉ 30.000-35.000 đ/kg tại nhiều tỉnh miền Tây, khiến không ít người giật mình. Từng được ví như “vua trái cây” với mức giá cao ngất ngưởng mùa vụ trước, nhưng nay SR đang chứng kiến một đợt rớt giá mạnh. Và điều này không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà là hồi chuông cảnh báo về sự phát triển thiếu kiểm soát của ngành hàng SR trong thời gian qua.
Câu chuyện SR rớt giá không phải hiện tượng cá biệt hay bất ngờ. Nó là hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển thiếu kiểm soát. Kể từ khi Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu SR chính ngạch, một làn sóng “trồng SR đổi đời” bùng lên mạnh mẽ từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đến ĐBSCL. Nhiều nông dân không ngần ngại chặt bỏ cà phê, tiêu, thậm chí cả lúa và mía để xuống giống loại cây ăn trái này, bất chấp khuyến cáo từ ngành chức năng.
Nguy cơ mất cân đối cung- cầu từng được cảnh báo từ sớm, nhưng rốt cuộc vẫn xảy ra. Nguyên nhân không mới: sản xuất theo phong trào, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch vùng trồng, thiếu liên kết với doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin thị trường. Khi hàng chục ngàn hecta SR cùng bước vào mùa thu hoạch, cung vượt cầu là điều không thể tránh khỏi. Cái vòng luẩn quẩn “được mùa- mất giá” từng lặp lại với thanh long, chuối, mít… giờ lại tái diễn với SR.
Tình thế càng trở nên mong manh khi ngành hàng này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường duy nhất- Trung Quốc. Chỉ cần thị trường này tạm ngưng nhập khẩu, thay đổi quy định, hay tăng cường kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, lập tức trái SR Việt bị dội về. Khi đó, người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là nông dân- những người đã đổ bao công sức, vốn liếng và cả niềm tin vào giấc mơ “trái cây tỷ đô”.
Nhưng giải pháp không thể chỉ kỳ vọng ở người nông dân. Đây là lúc ngành nông nghiệp cần nhìn nhận nghiêm túc và hành động quyết liệt. Trước hết, phải quy hoạch lại vùng trồng SR trên cơ sở thổ nhưỡng, khí hậu và khả năng tiêu thụ. Không thể để nhà nhà trồng, người người trồng theo phong trào. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được siết chặt, đồng thời hỗ trợ nông dân gia nhập HTX để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho bao tiêu và xuất khẩu.
Song song đó, cần phân bổ mùa vụ hợp lý hơn để tránh thu hoạch dồn dập, giảm áp lực tiêu thụ. Bài học từ Thái Lan- quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam- cho thấy, nhờ phân bố mùa vụ theo từng khu vực, SR của họ có thể cung cấp ổn định gần như quanh năm cho các thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc.
Một mắt xích quan trọng khác là chế biến sau thu hoạch- lĩnh vực mà Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ. SR chưa đạt chuẩn xuất khẩu hoặc tiêu thụ tươi trong nước hoàn toàn có thể được sấy, đông lạnh, làm bánh, kem hoặc chiết xuất hương liệu. Thế nhưng, hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, còn lại phần lớn vẫn tiêu thụ dưới dạng tươi- rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thị trường.
Vấn đề nữa là chất lượng vật tư nông nghiệp. Giá phân bón, thuốc BVTV leo thang trong khi nhiều loại không rõ nguồn gốc vẫn trôi nổi, ảnh hưởng đến chất lượng trái và uy tín sản phẩm Việt Nam. Quản lý thị trường cần mạnh tay hơn trong việc xử lý thuốc cấm, thuốc giả- bởi một sản phẩm không đạt tiêu chuẩn có thể khiến cả lô hàng bị từ chối tại cửa khẩu.
Cuối cùng, tư duy làm nông cũng cần thay đổi. Người nông dân hôm nay không chỉ cần giỏi trồng trọt mà còn phải am hiểu thị trường, biết tính toán chi phí- lợi nhuận và sẵn sàng liên kết cùng doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro. Chỉ khi trở thành người làm nông hiện đại, họ mới thực sự làm chủ được tương lai của chính mình.
SR hoàn toàn có thể giữ vững vị trí “trái cây tỷ đô”, nhưng không thể dựa vào may rủi hay thị trường một chiều. Sự bền vững của ngành hàng này chỉ có thể đến từ chiến lược dài hạn, gắn kết chặt chẽ giữa nông dân- HTX- doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Nếu không, mùa trái chín sẽ còn là mùa rớt giá, mùa trĩu nặng nỗi lo của người nông dân.
NGUYỄN HỮU HUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin