Góc nhìn văn hóa:
Học Bác để sống có lý tưởng và dám hành động

06:11, 20/05/2025

Tại hội thảo khoa học quốc gia về tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra tại Nghệ An ngày 18/5, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến khả năng vận dụng tư tưởng của Người vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

TS Võ Xuân Hoài- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề xuất 4 trụ cột trong phát triển đổi mới sáng tạo mang tinh thần Hồ Chí Minh. Đó là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hạ tầng công nghệ, hoàn thiện thể chế và tăng cường hợp tác quốc tế. Đó cũng là những bài học về tinh thần cầu thị, học hỏi và sáng tạo của Bác. Bác Hồ từng dày công nghiên cứu các học thuyết cách mạng, học tập kinh nghiệm quốc tế và chọn lọc những gì phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đồng thời Bác không bao giờ bảo thủ, mà luôn thúc đẩy đổi mới tư duy, thực chất hơn là hình thức.

Điều đó đặc biệt quan trọng khi đất nước đang hướng tới phát triển nhanh và bền vững, với trụ cột là kinh tế tri thức, xã hội số và công dân số. Học Bác, trước hết là phải đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản trị và phúc lợi cho người dân.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, khoảng cách giàu nghèo và nguy cơ tụt hậu đang đặt ra nhiều vấn đề lớn. Con đường phát triển phía trước vẫn đầy thách thức. Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đuốc soi đường.

Trong bài viết “Bác vẫn cùng chúng ta hành quân”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh thần nhân văn thế giới. Ở cốt lõi là khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội- một mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Tổng Bí thư khẳng định, học Bác không chỉ là học thuộc lòng những khẩu hiệu, mà là biến tư tưởng của Người thành hành động cụ thể, từ cải cách thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế xanh, đến nâng cao đạo đức công vụ. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” không chỉ áp dụng ở Trung ương mà phải thấm vào từng chính sách ở địa phương. Tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ là lời răn dạy trong sách, mà phải là tiêu chuẩn của mọi cán bộ. Và tinh thần “dám nghĩ, dám làm” không chỉ dành cho người đứng đầu, mà cần trở thành động lực lan tỏa trong toàn xã hội.

Trong thời đại hôm nay, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam, ngọn hải đăng dẫn dắt dân tộc đi tới tương lai.

LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh