Doanh nghiệp khó tuyển lao động 

08:22, 10/05/2025

Theo ghi nhận, hiện nay, trước nhu cầu phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) liên tục đăng tuyển dụng lao động (LĐ), cả đối với LĐ chưa qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo nhiều DN, rất khó tuyển dụng đủ số lượng theo yêu cầu.

Các doanh nghiệp hiện có nhiều chính sách ưu đãi thu hút người lao động làm việc gắn bó.

Cố gắng tạo môi trường làm việc tốt nhất

Các DN trong các KCN thực hiện nhiều chính sách ưu đãi và giữ chân người LĐ đến làm việc, thực hiện phương châm “gắn bó lâu dài” với DN tuyển dụng. Tại Công ty TNHH Bo Hsing, các chính sách về quyền lợi của người LĐ luôn được đảm bảo, công tác chăm lo đời sống, tinh thần cho người LĐ ngày càng được quan tâm.

Theo bà Bùi Thị Cẩm Tú- Giám đốc Quản lý Hành chính nhân sự, nhờ vào các chính sách mà người LĐ luôn tin tưởng và an tâm làm việc. Đồng thời môi trường làm việc luôn được chú trọng nhằm thu hút được lực lượng LĐ. Công ty tổ chức lớp đào tạo tay nghề miễn phí cho người LĐ ứng tuyển không có tay nghề.

“Người LĐ có tay nghề ứng tuyển sẽ được kiểm tra bậc tay nghề để sắp mức lương theo năng lực. Ngoài các khoản thu nhập là tiền lương và các loại phụ cấp như tiền cơm, tiền xe, thưởng chuyên cần... thì hàng tuần và hàng tháng còn tham gia phong trào thi đua vượt năng suất. Các dịp lễ, Tết được thưởng theo quy chế công ty, hỗ trợ khi ốm, đau, hiếu hỉ...” - bà Cẩm Tú cho biết thêm.

Trong khi đó, ở nhiều DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, xác định người LĐ là yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, ngoài các chính sách ưu đãi, lương thưởng tốt thì các DN này thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tạo không khí và môi trường làm việc phấn khởi, gắn bó. 


Theo ông Hồ Minh Sang- Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam): “Các chế độ lương thưởng, ưu đãi đều đầy đủ. Ngoài ra, công ty còn phối hợp triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức như chương trình phòng chống quấy rối tình dục, quản lý tài chính, chương trình kỹ năng quản lý chuyền trưởng, lớp đào tạo về văn hóa DN. Các khóa học về quyền lợi LĐ, an toàn LĐ cũng đã được triển khai 100% người LĐ. Qua đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho người LĐ”.

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ lao động

Hiện nhiều DN trong các KCN đang đăng tuyển LĐ như: Công ty TNHH Kyungshin Vietnam nhu cầu tuyển dụng 300 LĐ phổ thông; Công ty TNHH Tỷ Xuân cần tuyển 3.000 LĐ phổ thông, 25 nhân viên tiếng Anh và 1 nhân viên cơ điện; Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, chi nhánh Vĩnh Long cần tuyển trên 1.000 LĐ; Công ty TNHH Bo Hsing tuyển dụng 500 LĐ phổ thông; Công ty CP Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu Vĩnh Long cần tuyển hơn 60 nhân viên;… Nhiều DN cũng đăng tuyển liên tục hàng tuần, hàng tháng với mục tiêu tuyển đủ LĐ. 

Theo một số DN, mặt bằng lương và thu nhập bình quân của các DN trong các KCN tương đối cao, có phần “nhỉnh” hơn các DN bên ngoài. Đồng thời các DN cũng áp dụng nhiều chế độ chính sách, ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân người LĐ. Song hiện nay, vẫn rất khó tuyển dụng vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo một số DN, một trong những nguyên nhân là người LĐ “thường, hay và thích nhảy việc” sang một DN khác nếu cảm thấy “chế độ đãi ngộ tốt hơn đôi chút”. 

Ngoài ra, theo một số DN, hiện nay có xảy ra tình trạng người LĐ tự ý ngưng việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó tiếp tục đi làm, rồi tiếp tục ngưng việc để hưởng trợ cấp. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho DN tuyển dụng. Có người LĐ “nhảy việc” nhiều nơi, rồi quay lại làm việc với DN cũ vì thấy “nhàn hơn, khỏe hơn”. Nhưng sau đó thấy bên DN khác lương cao hơn đôi chút thì lại “nhảy việc”. 

Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sơ một DN FDI ở KCN Hòa Phú, tình trạng nhảy việc thường xuyên xảy ra, thậm chí chỉ vì một vài trăm ngàn đồng chênh lệch hàng tháng. Cũng theo vị này, hiện nay các DN phải đăng tuyển dụng trên rất nhiều kênh thông tin, thậm chí là đăng tuyển dụng ngoài tỉnh để tìm nguồn LĐ. Qua đó, các DN cũng mong muốn thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ DN về nguồn LĐ, vừa đào tạo nghề cũng như mong muốn có được sự rèn luyện về tác phong làm việc công nghiệp đối với người LĐ được tuyển dụng.


Hiện tại, các DN trong các KCN đang giải quyết việc làm cho gần 53.000 LĐ. Nhiều DN đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, do đó, nhu cầu tuyển dụng LĐ trong thời gian tới là rất lớn. Đây cũng là vấn đề nan giải đặt ra góp phần nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư về cho tỉnh trong thời gian tới. 

Hiện tại, tỉnh Vĩnh Long có 2 KCN đang hoạt động là KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh với 46 DN đang hoạt động. Trong đó có 14 DN trong nước và 32 DN FDI. Nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trong năm 2025 bao gồm tuyển dụng LĐ mới và tuyển bù đắp số lượng LĐ không trở lại làm việc khoảng 15.738 LĐ. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng số lượng LĐ lớn gồm: giày da, may mặc, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ, linh kiện, thiết bị cho xe có động cơ và động cơ xe,...
Một số DN cũng kiến nghị tỉnh cần có giải pháp thu hút lao động hỗ trợ DN. Đồng thời, nghiên cứu làm thế nào để “nâng lương vùng” nhằm cạnh tranh với mặt bằng lương ở các địa phương khác, nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh