Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước, trong đó có 1 trường hợp là trẻ em tắm sông bị đuối nước do không biết bơi. Mặc dù, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, kết hợp hướng dẫn các thao tác sơ cứu, tuy nhiên vẫn còn xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.
![]() |
Lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm người bị đuối nước. |
Điển hình như vào khoảng 9 giờ 50 phút ngày 28/3, người dân ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn phát hiện ông N.V.V. (60 tuổi, ngụ tại địa phương) bơi qua sông sau đó bị đuối nước nên đã trình báo cơ quan chức năng địa phương.
Tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đã điều 2 xe cùng 12 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường phối hợp cùng công an địa phương triển khai lực lượng, tìm kiếm người bị nạn. Qua hơn 15 phút tìm kiếm, thi thể ông V. đã được tìm thấy cách hiện trường khoảng 20m. Nguyên nhân vụ việc do sau khi ông V. nhậu say đã bơi qua sông để về nhà thì dẫn đến đuối nước.
Trẻ em vùng quê tắm sông nhưng không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không có người lớn trông coi cũng rất dễ dẫn đến việc trẻ bị đuối nước. Đơn cử như vào khoảng 17 giờ ngày 15/4, em Đ.T.L. (SN 2013, ngụ Ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) ra bãi sông tắm cùng nhóm bạn, không may trong lúc tắm thì em L. bị đuối nước.
Lúc này người dân địa phương phát hiện nhưng do thủy triều dâng cao, nước chảy xiết nên đã gọi đến lực lượng cứu nạn, cứu hộ nhờ hỗ trợ. Tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đã điều 2 xe cùng 12 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường tổ chức tìm kiếm người bị nạn. Qua hơn 3 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện thi thể em L..
Đến khoảng 21 giờ ngày 16/4, người dân khu vực đã phát hiện thi thể em L. cách hiện trường khoảng 1km. Qua trao đổi, người thân của em L. cho biết, mặc dù tắm sông nhưng em L. không biết bơi nên đã dẫn đến vụ việc đau lòng trên.
Sắp đến dịp nghỉ hè, việc các em nhỏ vùng quê rủ nhau đi tắm sông tại những nơi nguy hiểm là điều mà các bậc phụ huynh, nhà trường cần quan tâm giáo dục, nhắc nhở, hạn chế xảy ra các vụ tai nạn đuối nước.
Để kịp thời phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh thường xuyên kết hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn kịp thời tuyên truyền kiến thức, kỹ năng bơi lội, cách thức sơ cứu người bị đuối nước... giúp các em nâng cao kiến thức tự phòng tự tránh, hạn chế đuối nước.
Xác định công tác tuyên truyền là việc làm hữu hiệu nhằm phòng, tránh tai nạn đuối nước. Việc tuyên truyền trên các hệ thống phát thanh ở cơ sở về công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước phải thường xuyên, liên tục nhất là tại các khu vực trường học, chợ, nơi tập trung đông người để mọi người cùng lắng nghe và thực hiện.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở cơ sở cần tổ chức rà soát, lập danh sách những khu vực, địa điểm trên các sông, nhánh sông, những khu vực có dòng nước xoáy, nước chảy xiết, mất an toàn để mọi người biết không tụ tập tắm gần đó; kết hợp làm rào chắn, lắp biển cảnh báo, biển cấm...
![]() |
Giáo viên dạy bơi cho trẻ tại một hồ bơi trên địa bàn Phường 3, TP Vĩnh Long. |
Có thể thấy, tình trạng đuối nước vẫn sẽ còn xảy ra nếu chúng ta chủ quan, lơ là, nhất là trẻ em vùng sông nước vào những ngày cận hè. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là trẻ em thì chúng ta cần thật sự cẩn trọng trong việc tắm sông nhằm tránh nguy cơ tiềm ẩn đuối nước có thể xảy ra.
Bài, ảnh: HOÀNG THÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin