Chiều 8/5, trong phiên thảo luận ở Tổ về các dự án luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
*Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh: Việc thành lập các tòa chuyên trách tại một số TAND khu vực là cần thiết
![]() |
Đóng góp Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (gọi tắt Luật TAND), tôi thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Luật TAND năm 2024 để thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả TAND; tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự án Luật này để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra theo chủ trương của Trung ương. Tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
1. Về việc tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao
Sau khi phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của TAND các cấp thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được giao nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Dự kiến, số lượng vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là khá lớn. Vì vậy, việc tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người lên thành 23 đến 27 người để có đủ nhân sự tham gia xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm là cần thiết, bảo đảm xét xử đúng hạn và chất lượng xét xử.
Đề nghị giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác toà án, với phương châm là “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực hiện quyền tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân”.
2. Về đề nghị thành lập Tòa Kinh tế thuộc TAND khu vực
TAND khu vực được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại từ các TAND cấp huyện, có quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, số lượng án phải giải quyết hằng năm lớn hơn nhiều so với TAND cấp huyện hiện nay.
Tranh chấp về kinh doanh, thương mại có tính chất phức tạp, nhiều vụ khó, giá trị tranh chấp lớn, nhiều vụ có yếu tố nước ngoài. Việc xét xử, giải quyết loại việc này đòi hỏi đội ngũ thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, việc thành lập Tòa Kinh tế thuộc cơ cấu tổ chức TAND khu vực là cần thiết.
3. Về thành lập các tòa chuyên trách gồm Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực
Tranh chấp về sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản là việc khó, phức tạp; người tiến hành tố tụng phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này và lĩnh vực có liên quan. Việc thành lập các Tòa chuyên trách nêu trên tại một số TAND khu vực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.
Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, phá sản là việc làm cần thiết để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế.
4. Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao
Khoản 21 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 96 của Luật Tổ chức TAND về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao trong trường hợp đặc biệt quy định người được bổ nhiệm phải đang là Thẩm phán TAND, có từ đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao, số lượng đề nghị bổ nhiệm không quá 10% tổng số Thẩm phán TAND tối cao và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Dự thảo Luật sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 96 của Luật Tổ chức TAND theo hướng mở rộng nguồn đối tượng để xem xét, lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao đáp ứng yêu cầu tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm xét xử và có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho Chánh án TAND tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giải quyết án, công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, đồng thời giới hạn số lượng người được đề nghị bổ nhiệm theo quy định này không quá 10% tổng số Thẩm phán TAND tối cao là phù hợp; tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ Thẩm phán TAND tối cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.
*Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong: Cần quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường, xin lỗi công khai nếu kết luận thanh tra sai gây thiệt hại cho đối tượng
![]() |
Trong quá trình sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Qua nghiên cứu dự án Luật thanh tra sửa đổi, tôi bổ sung một số ý kiến như sau:
Tại Điều 15: Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung dự thảo luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác thanh tra như: Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thanh tra; chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra tại địa phương; xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu lực về tổ chức bộ máy thanh tra; đảm bảo kinh phí trong hoạt động thanh tra…
Đề nghị bổ sung quy định tăng cường giám sát của Nhân dân và MTTQ trong quá trình thanh tra, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như đất đai, đầu tư công. Quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường, xin lỗi công khai nếu kết luận thanh tra sai gây thiệt hại cho đối tượng bị thanh tra.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin