Buồn cho cam sành

06:29, 06/05/2025

Cam sành (CS) là một trong những cây ăn trái chủ lực của tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, loại cây trồng này đã bao phen “lận đận” không những vì bị dịch bệnh mà còn bị rớt giá bán... Trong vòng 3 năm trở lại đây, người trồng CS lao đao bởi giá sụt giảm thê thảm, để tiêu thụ CS, nhiều nơi tổ chức điểm bán “giải cứu CS”.

Nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam sành gây ra tình trạng cung vượt cầu, cam rớt giá, khó tiêu thụ. Trong ảnh: Vận chuyển cam sành sau khi thu hoạch ở xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm).
Nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam sành gây ra tình trạng cung vượt cầu, cam rớt giá, khó tiêu thụ. Trong ảnh: Vận chuyển cam sành sau khi thu hoạch ở xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm).

Theo tài liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh, CS là cây ăn trái được khởi đầu tại huyện Tam Bình, sau đó lan sang các huyện lân cận như Trà Ôn, Vũng Liêm. Năm 2005, toàn tỉnh có 7.362ha CS. “Biến cố” đầu tiên đến với CS là bị dịch bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ greening hủy hoại vườn cam từ năm 2006-2010.

Cuối năm 2006, toàn tỉnh có gần 5.000ha cam bị bệnh, trong đó gần 1.400ha CS đã bị đốn bỏ bớt hoặc chuyển sang trồng cây khác. 2 huyện Tam Bình, Trà Ôn bị nhiều nhất với 4.240ha nhiễm bệnh (chiếm trên 80% diện tích CS của 2 huyện này).

Để khống chế dịch bệnh, Sở Nông nghiệp-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và tổ chức JICA (Nhật bản) xây dựng nhiều mô hình khắc phục bệnh vàng lá trên cây CS, chuyển giao cho nông dân cây CS giống và mắt ghép sạch bệnh, khắc phục được nhiều vườn CS bị nhiễm bệnh. Nhờ đó, dịch bệnh vàng lá thối rễ và gân xanh đã được khống chế, đến năm 2010 thì giảm dần, cây CS bắt đầu hồi sinh trở lại từ đó.

Năm 2009, giá trái CS đột ngột lên cao, từ 20.000-30.000 đ/kg, nhiều nhà vườn quay lại trồng CS. Đến cuối năm 2010, diện tích CS trong tỉnh tăng lên 7.579ha, tập trung ở 2 huyện Trà Ôn (hơn 3.500ha) và Tam Bình (gần 2.500ha).

Giai đoạn phát triển “đỉnh cao nhất” của CS là từ năm 2019-2022 với diện tích tăng từ 1.600-2.200 ha/năm. Năm 2021, diện tích CS của tỉnh là 14.838ha, sản lượng thu hoạch đạt 630.215 tấn; đến năm 2022, con số này là 15.458ha/63.121ha cây ăn trái toàn tỉnh, đứng đầu nhóm cây ăn trái của tỉnh. Trong đó, CS trồng trên đất ruộng chiếm trên 80% diện tích CS hiện có, tập trung nhiều nhất ở huyện Trà Ôn (hơn 7.200ha), Tam Bình (hơn 4.000ha) và Vũng Liêm (hơn 2.500ha).

Rút kinh nghiệm từ dịch bệnh vàng lá năm 2006, nhiều nhà vườn đã cải tiến trong canh tác CS, như quản lý tốt khâu thủy lợi, bón phân cân đối, BVTV, tỉa cành tạo tán... để hạn chế bệnh vàng lá greening, đặc biệt là chú trọng thay đổi cây giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng, trồng mật độ dày và biết cách làm cho CS ra trái vào mùa nghịch nên thu nhập rất hấp hẫn. Nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

Từ đó, CS không những có mặt ở 2 địa phương có truyền thống là huyện Trà Ôn, Tam Bình mà còn lan ra cả các huyện khác, trong đó bùng phát mạnh nhất là ở huyện Vũng Liêm. Hình thức trồng trên đất ruộng được chọn thay cho hình thức trồng CS trên đất vườn như trước đây, do vậy cam “bò nhanh” ra ruộng.

Thế nhưng, từ cuối năm 2023 đến nay, giá CS trượt dài, giá CS thương lái mua tại vườn phổ biến từ 2.000-5.000 đ/kg, trong đó CS chín chỉ 1.000-3.000 đ/kg và nhiều điểm “giải cứu” trái CS đã xuất hiện nhiều nơi, việc “giải cứu CS” lặp đi lặp lại từ mấy năm nay.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia và thương lái, tình trạng giá CS trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung luôn giảm và ở mức thấp đã xảy ra vài năm nay, không chỉ trong mùa thuận (mùa mưa) mà cả mùa nghịch (mùa khô) là do CS chủ yếu còn tiêu thụ nội địa nhưng không ổn định và khó xuất khẩu.

CS khó xuất khẩu vì phần lớn trái CS có hình thức bên ngoài không “đẹp” và còn có vị chua, có nhiều hạt hơn so với CS của Trung Quốc hay các nước khác, vì vậy CS nước ta có sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi không cao, khó khăn cho công nghiệp chế biến. Trong khi đó, nông dân các tỉnh ĐBSCL liên tục mở rộng diện tích trồng CS nên cung vượt cầu.

Cụ thể như ở Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 19.600ha trồng CS, trong đó có 17.200ha cho trái, sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt 975.000 tấn. Việc ồ ạt tăng diện tích trồng CS đã được các cơ quan quản lý và truyền thông trong nước cảnh báo từ trước, nhưng các nông dân, nhà vườn vẫn phớt lờ. Một số hộ bộc bạch, giá CS ở mức 5.000 đ/kg vẫn còn lời hơn so với trồng lúa.

Theo các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để khai thông đầu ra cho CS hay các cây có múi khác, phía Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán để xuất khẩu CS chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng trước mắt, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu diện tích cây có múi (trong đó có CS), phải quản lý chặt sản xuất, hạn chế “phát triển nóng”, tăng ồ ạt diện tích không theo quy hoạch.

Bên cạnh, cần nhanh chóng nâng cao chất lượng, đầu ra sản phẩm loại cây trồng này thông qua cải tiến chất lượng cây giống, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình sản xuất GAP, sản xuất hữu cơ kết hợp đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa khâu chăm sóc để tạo sản phẩm có chất lượng. Đồng thời chú trọng xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho cây CS, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HÒA

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh