Xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ bớt gay gắt

14:57, 01/04/2025

Mùa khô năm 2024-2025 ở ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) đã qua nửa giai đoạn. Từ đầu mùa đến nay, có những thời đoạn, xâm nhập mặn (XNM) gia tăng đột biến nhưng không kéo dài và không gay gắt như đã xảy ra trong những năm cực đoan (mùa khô 2015-2016 và 2019-2020), trong đó yếu tố nguồn nước thượng nguồn trực tiếp làm giảm về diện và lượng của XNM.

Các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long chủ động lấy, trữ nước khi xâm nhập mặn giảm trên các sông, rạch.
Các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long chủ động lấy, trữ nước khi xâm nhập mặn giảm trên các sông, rạch.


Xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm 


Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, XNM mùa khô năm 2024-2025 ở ĐBSCL đến sớm và tăng đột biến ở đầu mùa. Ngay trong kỳ triều cường cuối năm ngoái (từ ngày 24-30/12/2024), mặn đã xuất hiện ở mức cao, sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 1,5 tháng và đã gia tăng bất thường trên các cửa sông Cửu Long so với cùng kỳ các năm 2015, 2023. Tại Vĩnh Long, ngay từ ngày 27/12/2024, XNM đã bắt đầu xuất hiện trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm và tăng lên mức cao nhất vào 2 ngày 28, 29/12 là từ 2,7-4,5‰. 


Sau đó, độ mặn ở vùng ĐBSCL tiếp tục lên cao vào các kỳ triều cường cuối tháng 1, cuối tháng 2, đầu và cuối tháng 3/2025. Ở tỉnh ta, độ mặn ở nhánh sông Cổ Chiên lên cao ở mức xấp xỉ hay hơn độ mặn cao nhất (đỉnh mặn) các năm 2021-2024 một ít, tuy nhiên phía sông Tiền và sông Hậu lại thấp hơn; XNM nhìn chung gây ảnh hưởng và thiệt hại không lớn.


Cụ thể, trong tháng 1/2025, độ mặn sông rạch ở vùng ĐBSCL lên cao vào đợt triều cường những ngày Tết Ất Tỵ 2025 (từ ngày 27/1-1/2), ranh mặn 4‰ ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 42-60km. Tại tỉnh ta, độ mặn cao nhất xuất hiện ngày 28/1 ở mức xấp xỉ và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 từ 0,1-2,1‰. Trong đó, phía sông Cổ Chiên, đoạn thuộc huyện Vũng Liêm (cách biển từ 42-60km), độ mặn đã lên mức khá cao, đo được từ 4,5-6,1‰, nhưng còn thấp hơn đỉnh mặn năm 2020 (năm độ mặn cao kỷ lục) từ 1,7-4,2‰; trên sông Hậu, đoạn thuộc địa bàn huyện Trà Ôn (cách cửa biển từ 60-65km), độ mặn thấp hơn 0,5‰ và trên sông Tiền, đoạn thuộc huyện Long Hồ, độ mặn đo được 0,2‰. 


Trong tháng 2, độ mặn sông rạch ở vùng ĐBSCL lên cao nhưng thấp hơn trong tháng 1, ranh mặn 4‰ ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 42-55km. Tại Vĩnh Long, độ mặn cao nhất trong tháng xuất hiện vào ngày 26-27/2; độ mặn trên sông Cổ Chiên, đoạn thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm đạt từ 2,7-5,8‰ (thấp hơn độ mặn cao nhất của tháng 1 từ 0,3-1,8‰); tuy nhiên độ mặn phía sông Hậu, đoạn thuộc huyện Trà Ôn lại cao hơn tháng 1, tại xã Tích Thiện đo được 2,4‰ (cao hơn 2‰ so với tháng 1, nhưng còn thấp hơn đỉnh mặn năm 2020 là 5,4‰); trên sông Tiền, đoạn thuộc huyện Long Hồ và trong nội đồng vẫn thấp hơn 0,5‰.


Vào cuối tháng 3, độ mặn sông rạch ở vùng ĐBSCL lên cao trở lại, ranh mặn 4‰ ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-65km. Tại Vĩnh Long, độ mặn cao nhất tháng xuất hiện vào ngày 28-29/3. Trong đó, phía sông Cổ Chiên, đoạn thuộc huyện Vũng Liêm, đo được từ 4,9-6,2‰, là mức cao nhất từ đầu mùa khô đến nay, nhưng còn thấp hơn đỉnh mặn năm 2020 từ 1,5-4‰. Trên sông Hậu, độ mặn thuộc địa bàn huyện Trà Ôn thấp hơn 0,5‰ và thấp hơn độ mặn cao nhất của tháng 2 là 2‰; và trên sông Tiền, đoạn thuộc huyện Long Hồ chỉ đạt 0,1‰. 


Trước đó, từ ngày 21-27/3, độ mặn ở vùng ven biển ĐBSCL có xu thế giảm, chiều sâu ranh giới mặn 4‰ thấp nhất trên các cửa sông Cửu Long từ 30-40km, ngoại trừ nhánh sông Hàm Luông khoảng 50-52km, các vùng cách cửa sông 35-40km trở lên lấy được nguồn nước ngọt dồi dào.


Các yếu tố góp phần giảm xâm nhập mặn


Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tuy XNM gia tăng đột biến ở ĐBSCL vào cuối các tháng đầu mùa khô năm 2024-2025, nhưng nhìn chung, từ đầu mùa đến nay, XNM không kéo dài và không gay gắt như đã xảy ra trong những năm cực đoan (mùa khô 2015-2016 và 2019-2020), trong đó yếu nguồn nước thượng nguồn trực tiếp làm giảm về diện và lượng của XNM. Ảnh hưởng của XMN được dự báo tiếp tục giảm từ nay đến hết mùa khô. 


Theo đó, vào cuối tháng 12/2024 và tháng 1/2025, XNM đã gia tăng đột biến trên các cửa sông Cửu Long; nguyên nhân do ảnh hưởng của áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông kết hợp gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh xuống phía Nam trùng vào kỳ triều cường đầu tháng 12 âl năm 2024 và tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025. 


Trong tháng 2/2025, liên tiếp trong 2 tuần lễ từ ngày 7-20/2, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (thuộc Trung Quốc, hồ chứa thủy điện có dung tích 249 triệu m3, chi phối phần lớn lượng nước sông Mekong) về hạ lưu dao động từ 632-642 m3/s, là 2 tuần xả nước thấp nhất từ đầu mùa khô năm nay. Các hồ chứa thuộc hạ lưu vực sông Mekong có 66-67,8% tổng dung tích hữu ích. Đây chính là nguyên nhân làm XNM gia tăng ở vùng ven biển ĐBSCL trong cuối tháng 2. 


Từ ngày 21/2, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng bắt đầu tăng lượng xả nước về hạ lưu; lưu lượng xả dao động từ 650-1.598 m3/s (từ ngày 21-27/2) và luôn duy trì mức xả cao trong tháng 3, dao động từ 1.371-2.259 m3/s, làm cho XNM trong vùng ven biển ĐBSCL giảm đáng kể trong thời đoạn này.

Tuy nhiên, vào tuần cuối tháng 3, độ mặn sông rạch ở vùng ĐBSCL lên cao trở lại do hoạt động mạnh của gió chướng và lượng xả nước từ thượng lưu về hạ lưu giảm một ít so với tháng 2 (từ ngày 21-27/3, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu dao động từ 1.010-2.032 m3/s). 


Việc tích nước của các thủy điện trên lưu vực Mekong hiện cao hơn cùng kỳ ở các năm trước cùng với đợt xả nước duy trì ở mức cao từ ngày 21/2 đến cuối tháng 3 làm nguồn nước về hạ lưu sông Mekong nhiều hơn.

Đến ngày 27/3, mực nước tại Kratie (Campuchia) ở mức 7,87m, cao hơn so với mực nước trung bình nhiều năm, so với các mùa khô 2023-2024, 2022-2023, 2019-2020 và 2015-2016 lần lượt là 0,36m, 0,93m, 1,03m và 1,03m; lưu lượng nước tại trạm này trong tháng 3 đạt khá cao 3.801 m3/s (cao hơn 1.008 m3/s so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 14 1m3/s so vói cùng kỳ năm 2023). Ở đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc (ngày 27/3) đạt lần lượt là 1,24m và 1,47m.


Nguồn nước về đồng bằng nhiều làm dâng cao mực nước sông, rạch vùng hạ lưu và có tác động tích cực là giải quyết được tình trạng thiếu nước cho nhiều địa phương vùng ĐBSCL, làm XNM không lấn sâu vào đồng bằng, độ mặn không lên cao như các năm cực đoan 2016, 2020. Bên cạnh, mưa trái mùa xuất hiện nhiều ở những tháng đầu mùa khô, nền nhiệt độ thấp đã góp phần giảm mức độ ảnh hưởng XNM hơn so với dự báo trước đó. 


Mặt khác, việc xả nước tăng cường từ ngày 21/2 đến nay có tác động tích cực làm giảm XNM ở giai đoạn nửa cuối tháng 3 và vẫn còn ảnh hưởng đến tháng 4/2025. Từ nay đến cuối tháng 4, dự báo mặn sẽ lên cao trở lại vào kỳ triều cường từ 27-30/4, tuy nhiên mức độ thấp hơn như đã xảy ra trước đó. Chiều sâu XNM lớn nhất ứng với 4‰ trên các cửa sông khoảng 40-50km, ngoại trừ nhánh sông Hàm Luông có thể lên đến 55-57km. 


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn nước về ĐBSCL trong các tháng cuối mùa khô năm nay hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ điều tiết của các hồ chứa thượng lưu. Các địa phương cần thường xuyên theo dõi nguồn nước, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh