Vĩnh Long rộng mở con đường phát triển 

06:03, 25/04/2025

Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng phối hợp cùng Sở KH-CN tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh về việc phát triển bền vững kinh tế- xã hội và môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2025-2030.

Qua đó định hướng cho công tác hoạch định chính sách trong tương lai, thúc đẩy mục tiêu liên kết vùng và phát triển đồng bộ, bền vững, nhất là thời gian tới sẽ sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre thành tỉnh mới với tên gọi Vĩnh Long.

Vĩnh Long sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: NGÔ ANH KHOA
Vĩnh Long sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: NGÔ ANH KHOA

Phát triển tích cực nhưng chưa đồng đều

Theo báo cáo, giai đoạn 2020-2025, các chỉ tiêu kinh tế- xã hội cho thấy sự phát triển không đồng đều, phản ánh cả những thách thức và cơ hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP không ổn định, từ mức tăng trưởng cao 15,83% vào năm 2022, giảm mạnh xuống 2,01% năm 2023.

Mặc dù dự báo đạt 6,8% vào năm 2025, kết quả này chưa đạt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6 %/năm mà nghị quyết đề ra. Cùng với đó, tỷ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp không đạt mục tiêu tăng bình quân 1,15 %/năm, với những giai đoạn giảm sút đáng kể, đặc biệt năm 2020 và năm 2023.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Minh Vũ- Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), tỉnh vẫn ghi nhận một số kết quả tích cực, như GRDP bình quân đầu người tăng từ 57,34 triệu đồng năm 2020 lên 85,2 triệu đồng năm 2024, vượt mục tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh…

Trong khi đó, thu ngân sách dự báo sẽ phục hồi vào năm 2025 với mức tăng trưởng 6,19%. Tỷ lệ đô thị hóa từ 16,6% năm 2020 tăng lên 28,53% năm 2023, vượt mục tiêu đề ra, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của kết cấu hạ tầng đô thị.

Trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong nhiều lĩnh vực. Số lượt khách du lịch, du lịch lữ hành tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhờ các nỗ lực quảng bá và phát triển hạ tầng du lịch, cũng như nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng…

Du lịch là lĩnh vực phát triển vượt bậc và đây cũng là một nhóm tiềm năng của tỉnh (sau sáp nhập).
Du lịch là lĩnh vực phát triển vượt bậc và đây cũng là một nhóm tiềm năng của tỉnh (sau sáp nhập).

“Tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chỉ tiêu kinh tế nổi bật như GRDP, tỷ lệ đô thị hóa, giá trị xuất khẩu, và mức tiêu dùng nội địa đã hoàn thành theo nghị quyết. Tỉnh cũng triển khai thành công các chính sách hỗ trợ như ưu đãi tín dụng, giảm thuế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì sản xuất ổn định”- TS Ngô Minh Vũ cho biết.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Minh Vũ, tỉnh cần cải thiện một số vấn đề như đối mặt với các thách thức trong việc duy trì tăng trưởng ổn định và thu hút đầu tư; các chỉ tiêu về bán lẻ, sản xuất công nghiệp và hỗ trợ ngành dịch vụ để đạt mục tiêu 2025. Đặc biệt là kinh tế phi nông nghiệp chưa đạt kỳ vọng và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Để phát triển bền vững, tỉnh cần cải thiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong giao thông và logistics, đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Trong khi đó, công tác liên quan đến bảo vệ môi trường được tăng cường và thực hiện chặt chẽ theo những mục tiêu đã đề ra.

Năm 2023 và ước tính cho năm 2024 về các chỉ tiêu môi trường cùng với báo cáo về chỉ số PAPI (Provincial Governance and Public Administration Performance Index- Chỉ số hiệu quả quản lý nhà nước và hành chính công cấp tỉnh), tỉnh có 3/4 chỉ tiêu về môi trường đã đạt và vượt kế hoạch.

“Những thành tựu này có được nhờ các công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu; cũng như biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai gắn với mục tiêu phát triển bền vững đem lại kết quả tích cực”- TS Ngô Minh Vũ nhấn mạnh. 

Rộng đường phát triển trong bối cảnh mới

Theo các chuyên gia, với việc sáp nhập tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long mới sẽ có nền tảng phát triển vững mạnh trong giai đoạn 2026-2030. Dự báo cho thấy GRDP của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh- ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh xu hướng tổ chức lại đơn vị hành chính vì sự phát triển bền vững. Với vị trí trung tâm và các nguồn tài nguyên phong phú, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập hứa hẹn trở thành trụ cột kinh tế, xã hội và bền vững cho vùng ĐBSCL. Theo đó, sẽ có các nhóm “rất tiềm năng” gồm: kinh tế biển; logistics- giao thông thủy; tài nguyên nước- thủy lợi; nông nghiệp- chế biến- xuất khẩu; công nghiệp- năng lượng sạch cùng vài nhóm có tiềm năng khác.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh, nhóm kinh tế biển sẽ là mũi nhọn kinh tế của tỉnh vì tỉnh Vĩnh Long tương lai sở hữu đường bờ biển dài hơn 130km, tiếp giáp Biển Đông qua các khu vực ven biển như Thạnh Phú (Bến Tre) và Duyên Hải (Trà Vinh).

Khu vực này quy tụ các cửa sông lớn như Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An- những cửa sông này là tiềm năng chiến lược cho phát triển cảng biển, logistics ven biển và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Các khu đất ven biển, vùng đầm mặn và bãi bồi rất phù hợp cho điện gió ngoài khơi và tiềm năng phát triển điện mặt trời trong các trang trại. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định là điểm nhấn góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định là điểm nhấn góp phần phát triển kinh tế- xã hội.


Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng tiềm năng phát triển là rất lớn, nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ như: thách thức trong tổ chức hành chính và điều phối vùng; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chậm định hướng liên kết vùng; quy mô kinh tế nhỏ và số lượng doanh nghiệp hạn chế; biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; áp lực ngân sách và đầu tư công;…

Để chuyển hóa tiềm năng thành động lực thực tiễn, cần có những chính sách đột phá và tầm nhìn dài hạn. Tỉnh cần ban hành quy hoạch tích hợp vùng hậu sáp nhập theo hướng không gian mở, liên kết chức năng- ngành- địa phương. Đồng thời đầu tư trọng điểm vào hạ tầng giao thông và logistics liên vùng.

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp- công nghiệp chế biến- xuất khẩu, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ chế tài chính đặc thù để huy động đầu tư công- tư, tạo quỹ đất sạch, tăng cường điều phối thể chế và chính quyền số đa trung tâm…

“Vĩnh Long sau sáp nhập mang trong mình tiềm năng vươn lên trở thành một trung tâm phát triển đa ngành, đa vùng của miền Tây Nam Bộ. Việc phát triển tỉnh trong tương lai đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quy hoạch khoa học, chính sách linh hoạt và sự đồng thuận xã hội, qua đó đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân- Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), giai đoạn 2026-2030, Vĩnh Long dự báo tăng trưởng GRDP đạt từ 6,47-6,87%, với mục tiêu 8-10% nhờ cải thiện hạ tầng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, và dịch vụ logistics. GRDP bình quân đầu người sẽ tăng lên 156,34 triệu đồng vào năm 2030. Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 43,23%. Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và môi trường sẽ cải thiện, với mục tiêu tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 100%. Kinh tế số dự kiến chiếm 30% GRDP vào năm 2030.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh