Vĩnh Long kiến tạo không gian phát triển mới

13:03, 29/04/2025

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, hạ tầng kinh tế- xã hội khó khăn, lạc hậu, đến nay đã trở thành tỉnh có thu nhập khá trong khu vực ĐBSCL. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long tiếp tục hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. 

Vĩnh Long có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: NGÔ ANH KHOA
Vĩnh Long có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: NGÔ ANH KHOA

Đổi mới, kiến tạo không gian phát triển 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thuận lợi lớn nhất là có sự lãnh đạo đúng đắn thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong những năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn Vĩnh Long nói riêng, tỉnh Cửu Long nói chung phải đối mặt hàng loạt khó khăn.

“Nền kinh tế thuần nông, độc canh lúa sản xuất nhỏ, cá thể, manh mún, lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, quảng canh. Chăn nuôi theo tập quán, quy mô gia đình. Trong khi sản xuất công nghiệp chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp quy mô nhỏ, thủ công và bán cơ khí”- ông Trương Quang Phú- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhớ lại.

Vĩnh Long còn được nhận định là địa phương đất hẹp người đông, tài nguyên khoáng sản hầu như không có gì. Quy mô kinh tế nhỏ, phát triển chưa ổn định, khả năng tích lũy, tái đầu tư còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế nói chung và trong nội bộ từng ngành chưa thật hợp lý, chuyển dịch còn chậm.

Trong khi thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) chưa đáp ứng được yêu cầu,… dẫn đến tăng trưởng chậm, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN thấp hơn so với yêu cầu và mặt bằng chung của cả nước. Theo số liệu báo cáo, giai đoạn 1977-1980 kinh tế tỉnh Cửu Long phát triển nhưng rất chậm, thu nhập quốc dân sản xuất của tỉnh tăng trưởng bình quân 2,19 %/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,63 %/năm và giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 10,86 %/năm.

Trong những năm 1981-1985, quán triệt Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, tỉnh đã tập trung xây dựng các tập đoàn sản xuất mới gắn với thực tiễn cơ chế khoán sản phẩm.

Giai đoạn này, kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhảy vọt, tốc độ tăng trưởng gần gấp 4 lần so giai đoạn trước, bình quân đạt 8,54 %/năm; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 6,2 %/năm và công nghiệp- xây dựng tăng bình quân 28,9 %/năm.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào thế ổn định và phát triển với 3 chương trình kinh tế lớn gồm: Sản xuất lương thực- thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 1986-1990 là: “Nắm vững phương hướng phát triển sản xuất, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, phấn đấu thực hiện cho kỳ được 3 mục tiêu kinh tế then chốt, tạo sự chuyển biến rõ rệt bộ mặt kinh tế- xã hội, nhằm ổn định và nâng cao một bước đời sống của Nhân dân, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”.

Giai đoạn này thu nhập quốc dân sản xuất của tỉnh năm 1990 đạt trên 1.241 tỷ đồng, gấp 1,27 lần so với năm 1985, tăng trưởng bình quân đạt 4,98 %/năm.

“Thay đổi về mặt tư duy, từng bước tập trung chuyển đổi cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã bước đầu hình thành và vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện”- ông Trương Quang Phú phân tích.

Từ cuối năm 1991, các chính sách về phát triển DN, đầu tư trong và ngoài nước ngày càng cụ thể, rõ ràng nên việc thu hút đầu tư, phát triển DN thuộc các thành phần kinh tế đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Năm 2010, toàn tỉnh có 2.650 DN với tổng vốn đăng ký gần 13.700 tỷ đồng, có 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 190 triệu USD.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.911 DN đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng, 58 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 626 triệu USD. Trong khi đó, tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có hơn 4.200 DN đang hoạt động… Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Long nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện đạt và vượt 21/21 chỉ tiêu chủ yếu. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.

Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng và hình thành KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Năm 2010, KCN Hòa Phú (giai đoạn 1) hoàn thành và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp với 17 nhà đầu tư. Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, đến hết quý I/2025, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.380 tỷ đồng và trên 1.022 triệu USD, diện tích đất triển khai/đất thuê 227,8/282,63ha đạt 80,6%. 

Từ tỉnh nghèo, hiện Vĩnh Long đã trở thành tỉnh khá trong khu vực.
Từ tỉnh nghèo, hiện Vĩnh Long đã trở thành tỉnh khá trong khu vực.

Trong khi đó, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 5 khu công nghiệp. Cụ thể, thành lập mới 3 khu công nghiệp tại TX Bình Minh, các huyện Bình Tân, Mang Thít. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng KCN Hòa Phú (giai đoạn III), diện tích 157ha. 

Phát triển trong bối cảnh mới 

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Vĩnh Long chú trọng các vấn đề về liên kết phát triển vùng, tiểu vùng. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu mới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số… 

Theo ông Lữ Quang Ngời, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. 

Vĩnh Long từ một tỉnh nghèo, thuần nông, hạ tầng kinh tế- xã hội khó khăn, lạc hậu, đến nay đã trở thành tỉnh có thu nhập khá trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân tăng 7,7 %/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đây là những tiền đề quan trọng, cần thiết để Vĩnh Long tiếp tục hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững và cùng với cả nước phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng, thời gian tới, Vĩnh Long sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi chủ trương sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Long (sau sáp nhập). Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh- ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, việc sáp nhập 3 tỉnh sẽ hình thành một thực thể đơn vị hành chính mới đặc biệt trong lòng vùng ĐBSCL.

“Về địa lý hành chính, tỉnh Vĩnh Long mới có đặc điểm “3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển”. Với vị trí thuận lợi, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của tỉnh trong việc liên kết giao thông đường thủy và tương tác kinh tế trong vùng. Với đường bờ biển dài hơn 130km, bao gồm các cửa sông quan trọng như: Định An, Cung Hầu... Điều này mở ra khả năng lớn trong phát triển kinh tế biển, logistics, cảng biển, điện gió và đồng thời là bắt đầu cho việc tái định vị chiến lược toàn vùng ven biển ĐBSCL”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh nhận định.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Vĩnh Long đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo đột phá nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình số 69-CTr/TU. Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả không gian mới, lấy đô thị làm động lực phát triển và đẩy mạnh xây dựng NTM. Tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, có tác động liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội như các dự án kết nối đường cao tốc, cầu Đình Khao, QL53, QL54,…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh