Về thành phố mang tên Bác hòa chung nhịp đập tự hào 

08:16, 26/04/2025

50 năm- dấu mốc thiêng liêng gợi nhắc một thời hoa lửa hào hùng, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất non sông. Từ thời khắc lịch sử ấy, thành phố mang tên Bác- TP Hồ Chí Minh đã không ngừng chuyển mình mạnh mẽ, trở thành biểu tượng năng động, nghĩa tình giữa lòng Nam Bộ.

Những ngày tháng 4 lịch sử, giữa không gian rực sắc cờ hoa, người dân khắp mọi miền lại tìm về đây- nơi từng ghi dấu bước ngoặt vĩ đại của dân tộc để hòa chung nhịp đập tự hào, tri ân những hy sinh và hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước, tự tôn dân tộc.

Những ngày tháng 4 lịch sử, người dân khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thành phố mang tên Bác rực sắc cờ hoa để hòa chung nhịp đập tự hào.
Những ngày tháng 4 lịch sử, người dân khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thành phố mang tên Bác rực sắc cờ hoa để hòa chung nhịp đập tự hào.

Thăm lại chiến trường xưa

Giữa dòng người nô nức đổ về trung tâm thành phố để mừng ngày thống nhất, có những bước chân chậm rãi, trầm lặng của những cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Có người đi đơn lẻ, có người khoác vai đồng đội cũ, cùng nhau tìm về miền ký ức một thuở hào hùng. 

Tại trận địa pháo Công viên Bến Bạch Đằng, cô Nguyễn Thị Soa (Phường 26, quận Bình Thạnh) như đang tìm lại mảnh ký ức một thời hoa lửa năm nào. Cô kể, được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng tại Nghệ An, cách nhà Bác Hồ chỉ 14km.

Cô Nguyễn Thị Soa (Phường 26, quận Bình Thạnh): “Quân và dân mãi mãi như cá với nước”.
Cô Nguyễn Thị Soa (Phường 26, quận Bình Thạnh): “Quân và dân mãi mãi như cá với nước”.

Những năm chiến tranh ác liệt, bản thân cô và anh trai đều tiếp bước cha ông đi theo cách mạng. Hơn 45 năm phục vụ trong quân đội, từng tham gia chiến trường Campuchia, cô thấu hiểu giá trị của hòa bình hôm nay. “Sau khi về hưu tôi chọn TP Hồ Chí Minh làm quê hương thứ 2 của mình. Tôi tự hào và vô cùng xúc động khi chứng kiến sự đổi thay của thành phố từng ngày. Đó là thành quả của biết bao người đã ngã xuống và bao người đã góp sức dựng xây”- cô Soa nói.

Cũng khoác trên mình màu áo lính cụ Hồ, chú Lê Đình Xuyên (quê Hải Phòng) cùng những đồng đội của mình về thăm Dinh Độc Lập, trận địa pháo, nơi mỗi bước chân đi qua đều thu hút người dân xin chụp ảnh, bắt tay- như thể được gặp “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” giữa đời thực.

“Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”.
“Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”.

Chú kể: “Tôi nhập ngũ năm 1969, hành quân vào miền Nam từ năm 1970, từng công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 8, chiến đấu tại Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đã đi qua chiến tranh nên càng quý trọng hòa bình. Ngày lễ là dịp để gặp lại đồng đội cũ, để thấy đất nước mình đang đổi thay từng ngày. TP Hồ Chí Minh hôm nay rợp bóng cờ bay, khiến lòng chúng tôi càng xúc động và tự hào”.

Chú Phạm Nhật Thanh (đồng đội cùng đơn vị, cùng quê với chú Xuyên) tiếp lời: “Hơn 30 tiếng ngồi tàu, mỗi chặng đường đi qua chúng tôi như được sống lại với ký ức gian khó nhưng đầy khí thế và thắm đẫm nghĩa tình. Tôi thật sự vui mừng vì non sông hôm nay yên bình và tươi đẹp”.

Tham gia tập luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành sắp tới, cô Phạm Thị Bích Hạnh (quận Tân Phú) thuộc Khối Cựu thanh niên xung phong giải phóng- 1 trong 12 khối đại diện diễu hành quần chúng. “Chúng tôi từng góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Hôm nay có mặt trong lễ lớn, tôi thấy xúc động, biết ơn những người đi trước. Mỗi buổi tập dù mưa gió, anh em vẫn nghiêm chỉnh, vì ai cũng mong được góp phần nhỏ vào ngày hội của dân tộc”- cô Hạnh nói.

Lúc cô Hạnh đang trò chuyện, một cơn mưa đầu mùa bất chợt ghé qua. Những Cựu thanh niên xung phong giải phóng vẫn đứng nghiêm, không ai rời hàng. Mưa nhẹ hạt, nhưng lòng người thì nặng trĩu yêu thương- một hình ảnh đẹp, không cần sắp đặt, giữa mùa lễ tháng Tư.

“Gặp ai cũng mừng, gặp ai cũng chào”

Những cuộc hội ngộ tháng 4 không chỉ là dịp để người lính cụ Hồ trở lại chiến trường xưa, mà còn là khoảnh khắc giao thoa giữa hai thế hệ- những người từng đi qua lửa đạn và những người lớn lên trong hòa bình. 

Chị Nguyễn Thị Yến Trinh (quê Cà Mau) đã sinh sống tại TP Hồ Chí Minh gần 10 năm, nở nụ cười rạng rỡ giữa không gian ngập tràn sắc cờ. “Thành phố hôm nay đẹp rực rỡ, tôi đã lưu lại rất nhiều hình ảnh đẹp tại đây, trong thời khắc thiêng liêng và đầy xúc động, cảm giác như được sống cùng ký ức hào hùng của dân tộc”- chị nói, tay chỉnh nhẹ lại vạt áo dài trắng đang khẽ bay trong gió.

Tại khu vực trận địa pháo, chị Phạm Thị Ngọc Thảo (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cùng nhóm bạn diện áo dài truyền thống, xúng xính tạo dáng bên bờ sông Sài Gòn. Chị chia sẻ: “Chụp ảnh là một cách để lưu giữ ký ức, nhưng quan trọng hơn là cảm nhận, để biết trân trọng giây phút hòa bình ở hiện tại”.

Ở một góc công viên, cô Phạm Thị Hòa (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và bạn bè khoác lên mình sắc áo đỏ, tay vẫy cờ hoa trong tiếng cười vang. Không khí lễ hội như lan tỏa trong từng bước chân, ánh mắt rạng ngời của người tham dự. Không giấu được niềm phấn khởi, cô nói: “Đại lễ như một sợi dây vô hình, thắt chặt thêm tình đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam. Ai gặp ai cũng mỉm cười, chào nhau như đã quen từ lâu”.

Nổi bật giữa dòng người tham quan tại Công viên Bến Bạch Đằng là một cặp đôi trẻ trong trang phục cưới. Cô dâu e ấp trong chiếc váy cưới trắng tinh khôi, chú rể chỉnh tề trong bộ vest sẫm màu, tay nắm tay, ánh mắt trao nhau đầy hạnh phúc. Họ chọn nơi từng là chiến trường năm xưa để lưu giữ khoảnh khắc bước vào đời sống lứa đôi- một sự kết hợp bất ngờ, đầy xúc động.

 

Lấp lánh những ánh mắt, những nụ cười tháng Tư rực rỡ.

Lấp lánh những ánh mắt, những nụ cười tháng Tư rực rỡ.

Cô dâu là chị Lương Thị Hồng Loan (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Và trong chị luôn có một niềm kính trọng sâu sắc với lịch sử và những hy sinh thầm lặng đã làm nên ngày hôm nay. “Chúng tôi đã có bộ ảnh cưới trước đó. Nhưng khi biết thành phố tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30/4, tôi liền rủ chồng thực hiện thêm bộ ảnh, mong muốn con mình sau này khi nhìn lại những bức ảnh này, sẽ hiểu rằng cha mẹ các con đã sống trong một đất nước hòa bình và luôn biết ơn điều đó!”- chị Loan chia sẻ.

Giữa phông nền của những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tiếng loa phát thanh ngân vang những giai điệu hào hùng, nụ cười của cô dâu, chú rể như hòa làm một với niềm hạnh phúc chung của đất nước. Một bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc riêng tư, nhưng cũng là mảnh ghép đầy ý nghĩa trong bức tranh đoàn kết và tự hào dân tộc. 
Bức tranh đổi mới của thành phố hôm nay cùng sự hiện diện của những người lính cụ Hồ đã góp phần thắp lên trong lòng thế hệ hôm nay một ngọn lửa tri ân, tự hào và trách nhiệm gìn giữ những giá trị đã được đánh đổi bằng máu xương.

Bài, ảnh: N.LIỄU- T.TIÊN
 
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh