Kể từ cột mốc lịch sử đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ Vĩnh Long cùng với cả nước xây dựng và bảo vệ thành quả nền hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; trong đó, lĩnh vực văn hóa (VH) đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, với nhiều cách làm sáng tạo, trong quá trình triển khai, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng về vấn đề VH.
![]() |
Làng nghề gạch gốm tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng người dân, du khách. |
Vừa tiến hành xây dựng đời sống VH mới, vừa khai thác sâu và hiệu quả “tầng VH 300 năm”. Qua đó, bảo tồn và phát huy làm đầy thêm những giá trị di sản VH tiền nhân để lại. Đồng thời, Vĩnh Long bằng những “lối đi riêng”, biết cách biến những giá trị VH tinh thần trở thành những “lực lượng vật chất”, tạo nên những tiềm năng, động lực to lớn cho sự phát triển chung về kinh tế- xã hội.
Từ xây dựng nếp sống mới đến Chỉ thị số 01
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có những con người mới xã hội chủ nghĩa”. Từ những tháng năm đầu tiên sau chiến thắng vĩ đại năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần IV (1976), khẳng định: Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó tập trung tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, VH nhằm xây dựng nền VH mới và con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện. Quan điểm lớn của Đảng về VH thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII (1991): “VH là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”.
Trong giai đoạn này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri số 04, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Triển khai thực hiện Thông tri số 04, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chỉ thị số 01 “Về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động toàn dân, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ)- nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch danh dự Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Bà con thường gọi ông với cái tên gần gũi- “ông Sáu 01”, bởi ông là người khởi xướng Chỉ thị số 01/CT-TU của Tỉnh ủy.
Theo ông Ngô Ngọc Bỉnh: “Từ cơ sở ấp, Vĩnh Long xây dựng tiếp nội dung, tiêu chí cho tổ tự quản, đến hộ gia đình. Không dừng lại ở đời sống VH khu dân cư, lại tiếp tục mở rộng phạm vi, nội hàm ra văn minh công cộng, từ: cơ quan, trường học, bến xe, nơi thờ tự… Như vậy, Chỉ thị số 01 đã không để ai đứng ngoài cuộc từ lãnh đạo cao nhất tỉnh cho đến anh xe ôm, chị tiểu thương, giới tu hành… Chúng ta đã tiến hành theo chiến thuật “leo thang” và cứ hết nấc này đến nấc khác, công cuộc xây dựng thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị sẽ không có “nấc thang cuối cùng”.
![]() |
Tỉnh Vĩnh Long đón nhận bằng xác lập kỷ lục Việt Nam “Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam”. |
Chú Thạch Chul (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) là giáo viên đã về hưu. Hơn 10 năm làm phó trưởng ấp và 6 năm làm công tác mặt trận, chú nhớ từng ngõ ngách, từng đổi thay ở quê hương mình. “Hồi trước năm 2017, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đa số làm ruộng, làm vườn, người không có đất thì làm thuê, đời sống bấp bênh lắm.
Sau này Nhà nước hỗ trợ, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt. Toàn ấp có 489 hộ, lúc trước có 32 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, năm 2024 vừa qua đã thoát nghèo hết rồi. Bà con luôn ý thức xây dựng gia đình VH, con cháu thế hệ sau này đều được khuyến khích học hành đến nơi đến chốn. Bộ mặt nông thôn giờ có nhiều thay đổi dữ lắm”- chú Thạch Chul chia sẻ.
Ông Phạm Minh Hoàng- Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, khẳng định, các cấp luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong Nhân dân tham gia tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” thông qua việc tham gia họp tổ nhân dân tự quản, xét bình nghị tiêu chuẩn điểm hộ gia đình VH.
BCĐ chủ động, sáng tạo trong tham mưu cho cấp ủy triển khai, thực hiện phong trào, đồng thời thường xuyên tổ chức các phong trào rộng khắp ở từng khu dân cư, như: Ngày hội đại đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giúp vốn làm ăn... thì phong trào sẽ đi vào lòng dân.
Quyết liệt sáng tạo hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Lịch sử đã “lựa chọn” Vĩnh Long làm trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội trong buổi đầu khai mở vùng đất phương Nam; vì lẽ đó Vĩnh Long đã trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy VH, tạo nên một gia tài di sản phong phú, đồ sộ trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Tuy nhiên, phải sau khi Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời, đã mở đường cho công tác VH, đặc biệt việc bảo tồn, phát huy những giá trị VH trở nên thường xuyên, mạnh mẽ hơn.
Các lễ hội truyền thống tại các di tích Vĩnh Long cũng dần dần được khôi phục, thu hút đông đảo người dân tham dự. Tiêu biểu có lễ hội tại Di tích Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tại Trà Ôn.
Nhiều công trình VH lớn được xây dựng phục vụ tốt cho công tác giáo dục truyền thống như: Khu di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa,...
Bên cạnh đó, là quá trình phục dựng, bảo tồn và phổ biến các hình thức sinh hoạt VH, thể thao dân gian truyền thống như lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, loại hình thể thao đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Sưu tầm, kiểm kê di sản VH phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử trình UNESCO đưa vào di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại.
![]() |
Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch kiểm kê di tích lịch sử, sẽ có tổng thể trong khảo sát và quyết định trùng tu, tôn tạo, quản lý và sử dụng để làm sao gắn kết được các giá trị di sản VH với du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tàng VH, du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ để đem đến những trải nghiệm số, trải nghiệm ảo… làm điểm nhấn gắn kết du lịch trong thời gian tới.
Đưa những giá trị di sản VH trở thành những “lực lượng vật chất”, mỗi di tích sẽ là những sản phẩm du lịch là một trong những hướng đi mạnh mẽ, sáng tạo mà Vĩnh Long đã và đang nỗ lực rất lớn trong thời gian qua. Nhiều di sản vật thể, di sản phi vật thể mới được công nhận, những kỷ lục VH ẩm thực tạo dựng thương hiệu cho những làng nghề truyền thống, đã tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng người dân, du khách trong, ngoài tỉnh.
Vĩnh Long tương lai sẽ có nhiều cơ hội khai thác sâu hơn “tầng VH 300 năm Long Hồ dinh”; điều này vừa thể hiện trách nhiệm với gia tài di sản tiền nhân, vừa thực hiện tính kế thừa, tiếp nối dòng chảy lịch sử VH cho các thế hệ tiếp nối. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng về “Xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin