Tưới mít bằng điện thoại

22:21, 11/04/2025

Dưới cái nắng trưa gay gắt, chỉ cần vài thao tác “chạm” trên app (ứng dụng) điện thoại, vườn mít nhà ông Nguyễn Văn Phong (ở Ấp 7, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) đã được tưới mát. Ông Phong cho biết, từ ngày ứng dụng tưới phun tự động qua app điện thoại thì làm nông nhẹ tênh.


Thực hiện mô hình ấp thông minh trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã Hậu Lộc đã chọn Ấp 7 vận động nông dân ứng dụng công nghệ tưới tự động hóa cho cây mít. Trong đó, vườn mít của ông Phong được chọn làm điểm để nhân rộng. 

Chỉ cần mở điện thoại và “chạm” trên ứng dụng điện thoại, vườn mít được kích hoạt hệ thống tưới phun tự động. 
Chỉ cần mở điện thoại và “chạm” trên ứng dụng điện thoại, vườn mít được kích hoạt hệ thống tưới phun tự động. 


Đi đâu xa vườn vẫn có thể tưới cây


Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít Indo ruột đỏ xơ vàng có lắp đặt hệ thống ống dẫn nước và các béc tưới phun, được thiết kế kết nối với ứng dụng điều khiển tưới phun tự động trên điện thoại thông minh. Chỉ cần mở ứng dụng điện thoại và “chạm” là hệ thống tưới phun toàn khu vườn được vận hành. Ông Nguyễn Văn Phong- chủ vườn mít, cho biết từ việc chuyển đổi 7 công đất trồng lúa sang trồng mít, thấy hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so trồng lúa nên ông tiếp tục chuyển đổi tổng cộng 20 công.


Theo ông Phong, vốn đầu tư ban đầu gồm: cuốc đất lên vườn, cây giống, hệ thống tưới phun… khoảng 12 triệu đồng/công. Đầu tư camera, ứng dụng tưới phun qua app điện thoại thông minh thêm khoảng 1 triệu đồng/công... Sau 18 tháng trồng, cây mít bắt đầu cho trái, đến khoảng 24 tháng thì thu hoạch. Vụ đầu tiên, cây cho năng suất khoảng 2 tấn trái/công (nếu trồng đạt). Bình quân 2 năm thu hoạch 3 vụ, năng suất tăng dần lên, đến vụ thứ 4 thì đạt khoảng 4 tấn/công. 


Ông Phong cho hay, vừa bán mít với giá 40.000 đ/kg (hàng sô). Với mức giá này, sau khi trừ chi phí phân thuốc khoảng 5 triệu đồng/công, còn lời hơn 60 triệu đồng/công. Theo ông Phong, “có thời điểm giá mít lên cao tới hơn 100.000 đ/kg, như hồi tháng 8-9/2024, giá lên đến 105.000 đ/kg thì lời nhiều”.


Ông Phong chia sẻ thêm: “Trước đây khi địa phương vận động cài app tưới phun qua ứng dụng điện thoại, lắp camera cho khu vườn… thì tôi cũng “ngán” vì ngoài ngại tốn nhiều tiền thì tôi còn lo... không biết cách xài. Sau khi làm thì thấy quá tiện lợi”. Ông Phong vui vẻ cho biết, giờ tưới mít giờ nào cũng được mà không cần có mặt ở vườn, đi đám tiệc xa nhà cũng chỉ cần mở app lên, chọn thời gian là tưới xong tự tắt.


Ông Phong nhẩm tính: “Trước đây tưới bằng máy dầu thì nhọc công và tốn khoảng 600.000 đồng/tháng (khoảng 30 lít dầu). Giờ tưới tự động thì khỏe và còn rẻ hơn: tiền mạng hơn 100.000 đồng/tháng, tiền điện khoảng 300.000 đồng/tháng”. 


Cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào làm nông


Nhờ áp dụng công nghệ nên việc bón phân, xịt thuốc cũng nhẹ nhàng hơn. “Nếu dùng phân nước thì đưa vào hệ thống tưới phun để “bật app” tưới phân cho cây luôn. Còn xịt thuốc thì thuê máy bay chỉ tốn khoảng 150.000 đồng/bình là tưới được 2 công. Việc phát cỏ thì cũng đã có máy móc hỗ trợ. Chỉ bỏ công tỉa cành, bỏ bớt trái non... “Làm vườn giờ không còn gò bó, khi nào mình có việc thì cứ đi, việc ở vườn đã có máy móc lo”- ông Phong cười tươi và cho biết: “Thu hoạch thì lái tự sắp xếp vô hái tận vườn. Mình chỉ việc ngồi coi cân và nhận tiền mặt”.


Ông Phong đúc kết: Nông dân cần mạnh dạn áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư tự động hóa, giúp tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc. Cây được chăm sóc tốt cũng cho sản lượng cao hơn so với làm thủ công.
Việc ứng dụng công nghệ tưới tự động hóa cho vườn mít Indo ruột đỏ đem lại nhiều tiện ích.

Theo đó, nhà vườn chỉ cần “chạm” trên ứng dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng, hệ thống tưới phun sẽ tự động vận hành, giúp cho việc làm nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Trong vườn còn lắp đặt camera, giúp quan sát khu vườn, đề phòng trộm cắp, đảm bảo an ninh. 

Nhờ tận dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, việc làm nông trở nên nhẹ tênh.
Nhờ tận dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, việc làm nông trở nên nhẹ tênh.


Ông Nguyễn Văn Đông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Lộc, cho biết: Đến nay, toàn xã có hơn 30ha trồng mít Indo ruột đỏ xơ vàng được xây dựng mã số vùng trồng. Hiện nông dân chủ yếu xài phân thuốc sinh học nên được người tiêu dùng ưa chuộng và bán có giá. Cùng với đó, việc áp dụng hệ thống tưới phun tự động được điều khiển qua ứng dụng điện thoại thông minh đem lại hiệu quả cao. Hiện, mô hình này đang được nhiều nông dân áp dụng và nhân rộng. 


Ông Trần Hải Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Lộc, cho hay, toàn xã có khoảng 100ha trồng mít, trong đó đa số là mít Indo ruột đỏ xơ vàng, được trồng tập trung chủ yếu ở Ấp 7. Nông dân nơi đây đầu tư sản xuất rất bài bản, biết áp dụng khoa học kỹ thuật với hệ thống tưới phun tự động... Để xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về mô hình ấp thông minh, căn cứ tình hình thực tế, xã đã vận động nông dân áp dụng mô hình tưới tự động qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trong đó, vườn mít của ông Nguyễn Văn Phong được chọn làm điểm để nhân rộng. 


Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Lộc, tiêu chí ấp thông minh là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Để thực hiện thành công mô hình cần có sự quyết tâm cao của BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã cùng sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Trước đây, nông dân tưới tự động bằng cách bấm remote, xã đã vận động nông dân cài ứng dụng trên điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới phun. Đồng thời, gắn camera để quan sát cho khu vườn. Mô hình này đem lại hiệu quả cao, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và cho lợi nhuận cao hơn. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhà vườn đầu tư, nhân rộng mô hình.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh