TỪ LONG HỒ DINH ĐẾN TỈNH VĨNH LONG TỰ HÀO VÙNG ĐẤT “ĐỊA LINH NHÂN KIỆT”, VỮNG BƯỚC ĐẾN TƯƠNG LAI

14:14, 29/04/2025

Từ vùng đất mới hoang sơ gần như vô chủ, sau khi xác lập chủ quyền bằng việc lập châu Định Viễn, chúa Nguyễn đã có chủ trương khai hoang lập ấp. Dinh Long Hồ được thành lập năm 1732 đã trở thành mốc lịch sử đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển vùng đất phía phương Nam. Long Hồ dinh thực sự là một cột mốc chủ quyền quốc gia giữa ĐBSCL của quá trình hình thành quốc gia dân tộc.

Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại một số dấu son lịch sử vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay, được kết tinh từ mồ hôi, công sức, trí tuệ và xương máu của biết bao thế hệ cư dân nơi đây trong công cuộc khẩn hoang, đấu tranh chống thiên tai, địch họa để bảo vệ, xây dựng quê hương.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ra sức phấn đấu tạo nên những thành tích mới, viết tiếp bản trường ca hào hùng của đất và người Vĩnh Long.

Kỳ 1: Long Hồ dinh dấu ấn chủ quyền vùng đất phương Nam

Vùng đất Vĩnh Long nằm giữa sông Hậu, sông Tiền, đất đai trù phú, bốn mùa lúc nào nước cũng ngon lành.
Vùng đất Vĩnh Long nằm giữa sông Hậu, sông Tiền, đất đai trù phú, bốn mùa lúc nào nước cũng ngon lành.

Vĩnh Long có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nổi bật. Mặc dù cương vực địa giới hành chính đã trải qua nhiều lần thay đổi về tên gọi và nhiều lần tách nhập, song từ xưa đến nay, Vĩnh Long vẫn luôn nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tiềm năng kinh tế trù phú và đời sống sinh hoạt rất sống động. 

Vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu 

Trong Đại Nam nhất thống chí, các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn ngay từ nửa cuối thế kỷ XIX đã mô tả về đất Vĩnh Long “thuyền ghe tấp nập, phố xá liền hàng, là nơi đô hội có tiếng, thật là một đất hình thẳng ở Nam Kỳ”. Nằm giữa hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa. Vĩnh Long nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đây là vùng đất đã trải qua quá trình xác lập tự nhiên trong quá trình di dân, khai phá vùng đất Nam Bộ của cư dân người Việt. 

Năm 1732, chúa Nguyễn đã cho đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay). Theo sách Gia Định thành thông chí thì: “Vào buổi đầu lập ra châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ đóng tại xứ Cái Bè, về sau dời qua ấp Long An ở thôn Long Hồ. Đây là vùng có dải sông lớn bao quanh, giữ thế quan yếu, đúng là phên giậu vững vàng của thành Gia Định, khống chế Cao Miên, hai con sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) chẹn chỗ hiểm yếu, giao thông đường thủy hết sức tiện lợi, ruộng vườn cũng rất tốt tươi”.

Nửa cuối thế kỷ XVIII, các dải đất giồng ven sông rạch, các cù lao thuộc địa bàn Long Hồ trở thành vùng trù phú nhất miền ĐBSCL. Trong Phủ biên tạp lục, sử gia Lê Quý Đôn cho biết: “Châu Định Viễn phần lớn là ruộng không cày, phác cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 300 hộc”. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến sự hình thành nhiều bến cảng trên các sông, rạch Cổ Chiên, Hàm Luông, Long Hồ, Mân Thít, Trà Ôn, Trà Vinh… làm nơi buôn bán lúa gạo và các sản vật khác của địa phương như cây ăn trái (nhất là cau, xoài, dưa hấu) và thủy sản (nhất là tôm khô). 

Về địa danh Long Hồ, sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng: “Sông Long Hồ cách huyện Vĩnh Bình 5 dặm về phía Đông. Nước sông này chảy từ sông Đại Tuần chảy đến, quanh co khuất khúc, bốn mùa lúc nào nước cũng ngon lành. Bãi cát và thôn xóm ở rải rác, hai phía Đông Tây, có chỗ như rừng như động, có chỗ như vực như đầm nên gọi là Long Hồ”. 

Để có một Long Hồ dinh cách đây gần 300 năm thì vùng đất này đã có một cộng đồng dân cư đông đúc. Đối với dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện của một cái chợ là biểu hiện của sự sung túc và phát triển của một vùng. Nơi nào được chọn làm chợ là nơi đó hết sức thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán.

Điều đặc biệt là cùng với sự ra đời của Long Hồ dinh thì chợ Long Hồ cũng xuất hiện: “Chợ Long Hồ, ở thôn Long Thượng, huyện Vĩnh Bình, chợ mở năm Nhâm Tý, Túc Tông thứ 7 (1732), hai mặt trông ra sông, phố xá liên tiếp, chạy dài chừng 5 dặm dưới có thuyền bè, trên cạn có đình sở, đàn hát náo nhiệt, thật là chợ phố lớn”. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Hồ dinh là một xu hướng tất yếu, một tiến trình phù hợp với quy luật của lịch sử. Về sau, do nhu cầu kinh tế, ảnh hưởng của chiến tranh, tranh giành quyền lực và một số lý do khác dần dần những lưu dân người Việt, Hoa, Chăm, Khmer đã đến khai thác, định cư và sinh sống ở vùng đất này ngày càng nhiều, biến một miền đất hoang vu thành những xóm làng với những hoạt động sản xuất, buôn bán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp.

Đây là những tiền đề quan trọng để các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đối với vùng đất này bằng việc cho thành lập dinh Long Hồ vào năm 1732. Khi Long Hồ dinh xuất hiện thì có nghĩa là cộng đồng dân cư ở đây ít nhất cũng đã có mặt hàng trăm năm. 

Đất học Vĩnh Long là nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều nhà lãnh đạo tài ba, xuất sắc cho đất nước như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng; Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa và cùng nhiều vị lão thành cách mạng khác.​​​​​

Tên gọi tỉnh Vĩnh Long bắt đầu từ đâu? 

Long Hồ dinh có vị trí trọng yếu, cộng đồng các dân tộc đã cùng đồng cam cộng khổ, từng bước kiến tạo vùng đất mới thành vùng đất trù phú, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước thời bấy giờ.

Năm 1757, lỵ sở được chuyển về xứ Tầm Bào (tức thôn Long Hồ, TP Vĩnh Long ngày nay). Dinh Long Hồ là một vùng rộng lớn bao gồm: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ. Năm 1779, chúa Nguyễn đổi Long Hồ dinh thành Hoằng Trấn dinh, lỵ sở dời về bãi Bà Lúa, huyện Tuân Nghĩa, phủ Lạc Hóa (nay thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Đến đầu thế kỷ XIX, triều đình đổi Vĩnh Trấn dinh thành Vĩnh Thanh Trấn, bao gồm vùng đất Vĩnh Long, An Giang. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. 

Như vậy, đến năm 1832, đúng 100 năm sau khi Long Hồ dinh được thành lập thì tên gọi, danh xưng Vĩnh Long cũng chính thức ra đời. 

Đến ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định thay thế tiểu khu, hạt tham biện thành tỉnh. Trong đó, chia Vĩnh Long thành 4 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc và Trà Vinh, nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/1/1900. Từ năm 1900 đến nay, tỉnh Vĩnh Long trải qua nhiều lần tách nhập về địa danh, địa giới, địa dư nhưng tỉnh lỵ vẫn được đặt tại thị xã/thành phố Vĩnh Long.

Đến khi Pháp xâm lược nước ta và đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh thì Vĩnh Long là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng và chống thực dân Pháp mãnh liệt nhất. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Vĩnh Long và cả nước tiếp tục trải qua hai cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long luôn phát huy truyền thống đi đầu, tiêu biểu của Nam Bộ trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Vùng đất Vĩnh Long nằm giữa sông Hậu, sông Tiền, đất đai trù phú, bốn mùa lúc nào nước cũng ngon lành.
Vùng đất Vĩnh Long nằm giữa sông Hậu, sông Tiền, đất đai trù phú, bốn mùa lúc nào nước cũng ngon lành.

Năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, Vĩnh Long đã sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Đến năm 1992, theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Cửu Long được chia tách thành 2 tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh. Giai đoạn này, tỉnh Vĩnh Long được tái lập và khởi đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện quy mô, nguồn lực nhỏ và hạn chế.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng và các nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, GDP tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, xây mới, tạo nên diện mạo khởi sắc cho tỉnh. 

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL 
Khi sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và lấy tên tỉnh Vĩnh Long là hoàn toàn hợp lý. Bởi quá trình tách và nhập tỉnh từ cuối thế kỷ XIX đến nay, mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng có một đặc điểm là trung tâm Vĩnh Long từ xưa đến nay hầu như ít thay đổi về mặt địa danh, địa dư. Cái tên Vĩnh Long mang ý nghĩa to lớn, thể hiện khát vọng hưng thịnh hiện nay và mãi mãi về sau. Nó vừa có yếu tố lịch sử, văn hóa và thể hiện khát vọng chung của mọi người. 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC 
(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh