Truyền hình và công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số

07:24, 09/04/2025

 

Trong 2 năm 2023-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long vào Top 10 cơ quan báo chí trong nước đạt mức xuất sắc về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Trong 2 năm 2023-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long vào Top 10 cơ quan báo chí trong nước đạt mức xuất sắc về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn khách quan, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về “Đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia”.

Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội gắn với KHCN, ĐMST và CĐS. Đây được xem là động lực quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất, quản trị quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. 

Quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện Nghị quyết số 57 

Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã tổ chức triển khai quán triệt cho cán bộ chủ chốt các cấp bằng hình thức trực tuyến kết nối với Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 69 về thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia tỉnh Vĩnh Long. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 11 về Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án CĐS trong các cơ quan đảng.

Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, đảm bảo nội dung, yêu cầu, đồng bộ theo chỉ thị, kết luận của Trung ương. 

Trong bối cảnh mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của công chúng. 
Trong bối cảnh mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của công chúng. 
 


Riêng Chương trình hành động số 69 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57 đã xác định 7 nhiệm vụ, 8 mục tiêu, 43 chỉ tiêu cụ thể và 17 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiềm lực KHCN, ĐMST và CĐS của tỉnh được quan tâm đầu tư; nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Đến nay, số lượng cán bộ nghiên cứu của tỉnh đạt 18,7 người trên một vạn dân; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,725. Giai đoạn 2020-2024, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử (phiên bản 2.0) và cập nhật lên phiên bản 3.0 phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Triển khai 7 nền tảng chính quyền số, 3 nền tảng kinh tế số và 6 nền tảng xã hội số. Hệ thống thông tin kinh tế- xã hội và hệ thống báo cáo của tỉnh kết nối thông suốt với hệ thống quốc gia, đảm bảo báo cáo định kỳ và tổng hợp số liệu.


Tỉnh triển khai thí điểm kho dữ liệu dùng chung, thu thập số liệu của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2020-2024 với khoảng 126.030 trường dữ liệu. Phát triển nền tảng dữ liệu đồng bộ: đúng- đủ- sạch- sống, tạo nền tảng vững chắc phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước, cung cấp hơn 1.600 dịch vụ công trực tuyến, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và 11 cơ sở dữ liệu quốc gia.

Giai đoạn 2020-2024, tỉnh Vĩnh Long có những bước đi vững chắc trong việc đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và mạng truyền dẫn để phục vụ chính quyền điện tử hướng tới CĐS toàn diện. Các hạng mục đầu tư đã giúp tỉnh đạt được sự đồng bộ trong quản lý và khai thác thông tin, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số

Về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.


Giai đoạn 2018-2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp bình quân hơn 1.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21 %/năm.


Tại tỉnh Vĩnh Long, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra mục tiêu gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với hoạt động du lịch. Tỉnh chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù vừa giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh đất sử Vĩnh Long, danh nhân Vĩnh Long, vừa góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Năm 2024, Vĩnh Long đón 1,9 triệu lượt khách, doanh thu 966 tỷ đồng, với các sự kiện văn hóa trở thành tiêu điểm, như: tổ chức thành công Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I; Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam; sự kiện chế biến, công diễn 102 món ăn từ tàu hủ ky và dùng kèm tàu hủ ky được xác lập Kỷ lục Việt Nam. 

Vĩnh Long xác lập kỷ lục “Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam”.
Vĩnh Long xác lập kỷ lục “Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam”.


Vĩnh Long xác định du lịch văn hóa là một trong các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương. Vĩnh Long hiện có hơn 700 di tích văn hóa vật thể và nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 13 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thông qua việc số hóa các khu, điểm di tích lịch sử. Ứng dụng phần mềm tích hợp quản trị thư viện. Đẩy mạnh kết nối liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin của Thư viện tỉnh với hệ thống thư viện trong cả nước.


Về du lịch, tỉnh triển khai phát triển các phần mềm tiện lợi trên điện thoại nhằm số hóa các điểm du lịch ở địa phương, cung cấp các tiện ích như: giới thiệu ẩm thực, lưu trú, tham quan, mua sắm, giá cả, thiết lập tour dự kiến trên app. Nâng cấp cổng thông tin du lịch tỉnh, cấp 59 tài khoản cho các doanh nghiệp để đăng tải những thông tin, hình ảnh, nội dung về điểm du lịch.


Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai thư viện số và nền tảng học liệu mở tại các trường CĐ, ĐH trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tiếp cận tài nguyên học tập miễn phí, đa dạng và chất lượng. 


Trong giai đoạn mới, vấn đề đặt ra cho phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Vĩnh Long là tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, ứng dụng KHCN tạo ra những trải nghiệm số. Giải pháp phát triển đa dạng loại hình du lịch thông minh, xây dựng bản đồ số về du lịch, các tour du lịch ảo. Xây dựng bảo tàng số với công nghệ VR/AR giúp người xem trải nghiệm tham quan ảo.

Phát triển truyền hình trong kỷ nguyên số

Trong kỷ nguyên số, ngành phát thanh và truyền hình đứng trước nhiều cơ hội và khó khăn thách thức. Thực hiện Nghị quyết số 57, việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ tiên tiến, ĐMST và CĐS được đặt lên hàng đầu. Hạ tầng viễn thông phủ sóng 5G toàn quốc, truyền hình truyền thống chịu sự cạnh tranh khốc liệt, khi đại bộ phận khán giả dễ dàng tiếp cận các nền tảng mạng xã hội, có thể tìm kiếm thông tin và giải trí theo yêu cầu. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới là làm thế nào để mở rộng các kênh số, tăng tính tiếp cận với người xem.

Nắm bắt xu hướng trên, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình sản xuất, lưu trữ và phát sóng tự động. Đài đã sớm triển khai việc phân phối nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội, ra mắt nền tảng OTT với tên gọi THVLi giúp khán giả xem truyền hình trực tuyến miễn phí trên thiết bị di động. Cùng với đó là triển khai ứng dụng nghe phát thanh trực tuyến miễn phí THVLaudio, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của người dân mọi lúc mọi nơi. 

Đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã phát triển vững mạnh là “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, là bạn của mọi nhà.
Đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã phát triển vững mạnh là “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, là bạn của mọi nhà.


Hiện nay, Đài có trang thông tin điện tử, 53 kênh YouTube, 68 trang Facebook, 4 kênh TikTok, 5 kênh Zalo và các tài khoản mạng xã hội khác. Trong đó, có đến 8 kênh YouTube đạt nút Vàng và 35 kênh đạt nút Bạc, có khoảng 50 triệu lượt khán giả đăng ký theo dõi, 26 tỷ lượt người xem. Đặc biệt, Truyền hình Vĩnh Long đã thành công trong việc cung cấp phim truyện Việt Nam đến với khán giả nước ngoài thông qua nền tảng số. Bao gồm: Bản dịch tiếng Philippines và bản dịch tiếng Anh cho thị trường Ấn Độ và các nước trên thế giới.


Trong 2 năm 2023-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long vào Top 10 cơ quan báo chí trong nước đạt mức xuất sắc về mức độ trưởng thành CĐS báo chí.


Trong bối cảnh mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng KHCN- nhất là ứng dụng công nghệ AI vào quy trình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính sáng tạo, đa dạng nội dung và hình thức thể hiện để đáp ứng nhu cầu của công chúng. 

Đài tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu số (Data center), phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời hướng đến mục tiêu thương mại hóa trên thị trường. Áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu lớn (big data), ... để phát triển hệ sinh thái số về truyền thông và giải trí, kết hợp thương mại điện tử, quảng cáo số để tăng nguồn thu, thúc đẩy khai thác nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và OTT của lĩnh vực phát thanh và truyền hình. 

Trong giai đoạn mới, Vĩnh Long đẩy mạnh toàn diện hoạt động ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. (1) Vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D), hỗ trợ và tạo động lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và thực hiện CĐS toàn diện. (2) Xây dựng Trung tâm ĐMST, đây không chỉ là nơi nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới mà còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức KHCN, các trường ĐH, góp phần tạo ra môi trường sáng tạo và khởi nghiệp. (3) Ưu tiên phát triển hạ tầng số cho các khu vực trọng điểm (khu công nghiệp, công nghệ số) có tính kết nối, liên thông; thúc đẩy kết nối, chia sẻ hạ tầng số giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; lồng ghép các nội dung phát triển hạ tầng số vào quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh... (4) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, trong đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao, từng bước làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới như: AI, IOT, điện toán đám mây, bán dẫn… (5) Xây dựng trung tâm dữ liệu của Đài Phát thanh và Truyền hình làm cơ sở để phát triển hạ tầng nội dung số, trở thành trung tâm nội dung số hàng đầu trong khu vực. Trong đó, tập trung áp dụng các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu lớn (Big Data) để phát triển hệ sinh thái số về truyền thông và giải trí, kết hợp thương mại điện tử, quảng cáo số để tăng nguồn thu và thúc đẩy khai thác nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và OTT trong lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình. 

Bước vào kỷ nguyên mới, ngành truyền hình và công nghiệp văn hóa tỉnh Vĩnh Long đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Trong đó, tập trung toàn lực và quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy Vĩnh Long, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh