Trung tâm hành chính- chính trị đặt tại Vĩnh Long: Tạo đột phá, động lực phát triển kinh tế- xã hội

17:08, 26/04/2025

Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết (NQ) tán thành chủ trương nhập các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long; lấy tên tỉnh Vĩnh Long, trung tâm hành chính- chính trị đặt tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện nay. 

Tỉnh Vĩnh Long sau sắp xếp sẽ có 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. 
Tỉnh Vĩnh Long sau sắp xếp sẽ có 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. 

Sau khi nhập, tỉnh Vĩnh Long (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 6.296,2km2, đạt 125,92% so tiêu chuẩn, quy mô dân số 4.194.633 người, đạt 299,62% so tiêu chuẩn và 124 ĐVHC cấp xã trực thuộc.

Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long là 3 tỉnh nằm ở phía Đông của Vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Các có điều kiện tự nhiên và kinh tế- xã hội (KT-XH) tương đồng.

Có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển khá đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của mỗi tỉnh và khu vực; kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch như: quốc lộ (QL) 1, QL53, QL53B, QL57, QL57B, QL57C, QL60, QL54, QL80 cùng các cây cầu: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Đại Ngãi, Cần Thơ... và đặc biệt là các tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ được kết nối thông suốt, cùng với hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của mỗi tỉnh trong những năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Những năm qua, cùng với sự ưu tiên quan tâm đầu tư của Trung ương, kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long nói riêng có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông- lâm- ngư nghiệp; mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản... và từng bước khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả của vùng ĐĐSCL.

Quá trình chia, tách đơn vị hành chính (ĐVHC) của mỗi tỉnh diễn ra qua nhiều giai đoạn và có sự gắn kết với nhau, đặc biệt là giữa tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tuy nhiên, quá trình chia, tách các ĐVHC đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế như: việc tăng số lượng ĐVHC cấp tỉnh dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi ngân sách nhà nước do tăng biên chế và quỹ tiền lương, xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và tăng chi thường xuyên.

Việc tăng số lượng ĐVHC cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển, phân tán các nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương... đặc biệt là việc chia, tách, thành lập ĐVHC mới đã dẫn đến nhiều ĐVHC không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của ĐVHC tương ứng theo quy định.

NQ số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII; NQ số 18 ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 127 ngày 28/2/2025, Kết luận số 130 ngày 14/3/2025, Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; NQ số 76 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025; NQ số 74 ngày 7/4/2025 của Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của các địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương; đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; đảm bảo điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; góp phần tăng quy mô của ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư KT-XH, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long (sau sắp xếp) nói riêng.

Tin, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh