Giữa những ngày tháng Tư nắng cháy, dọc theo QL54 ngang xã Đông Thành (TX Bình Minh), những vườn thanh trà (TT) xanh mướt nối dài. Lấp ló phía sau những nhành cây xanh mát mắt, từng chùm trái TT vàng cam, căng tròn như trứng gà non khiến người đi ngang chỉ nhìn thôi đã phát thèm.
Trái TT chỉ xuất hiện đúng mùa, mùa của tiếng cười rộn vang dưới tán cây trĩu quả; mùa của vị chua thanh, ngọt dịu; mang theo cả nỗi nhọc nhằn nhưng đượm nghĩa tình giữa người và đất, giữa cây và đời.
![]() |
Thời điểm này, nhiều vườn thanh trà tại xã Đông Thành đang tất bật thu hoạch thanh trà cuối vụ, chạy đua với nắng. |
Trái chua đậm tình
Từ đường dẫn cầu Cần Thơ khoảng 5km về phía hạ lưu sông Hậu là đến vùng đặc sản TT trứ danh của xã Đông Thành (TX Bình Minh). Đoạn đường khoảng 2km, đi ngang qua các ấp Đông Hưng 1, Đông Hưng 2, Đông Hưng 3, Đông Hòa 1, Đông Hòa 2- đâu đâu cũng thấy những sạp trái cây mộc mạc bày bán TT tươi, mứt TT, nước TT dằm đá… sản vật theo mùa, vừa tới là thấy vàng ươm, rộn ràng cả khúc đường.
Men theo con đường đan nhỏ của ấp Đông Hưng 2, chị cán bộ xã dẫn chúng tôi vào vườn TT 3.000m2 của chú Huỳnh Văn Thuộc (thường gọi chú Ba Bảo). Những cây TT hơn 30 năm tuổi cao vút, thân to lớn, tán tròn xòe rộng cả một góc vườn. Dưới tán lá, dù đã cuối vụ, những chùm trái vẫn còn sai trĩu, nhiều cành oằn trái, sà xuống thấp, chỉ cần với tay là chạm đến trái căng tròn, da còn hườm hườm như gợi nhắc vị chua còn đậm.
![]() |
Chú Huỳnh Văn Thuộc bên gốc thanh trà chua 34 năm tuổi |
“Vỏ trái có màu này là còn chua lắm, nhưng chín rồi sẽ ngọt thanh, dễ ăn. Ai ăn quen thì ghiền. Ở đây bà con còn làm mứt, dằm đá, kho cá, nấu canh chua… đủ món”- chú Ba cười và giới thiệu cho chúng tôi độ tuổi của từng cây.
Chú Ba chia sẻ, cây TT chua là giống “đầu dòng”, thuộc cây hoang được người dân nơi đây đem về trồng đã gần trăm năm. “Chỉ cần cây con sống được là để thiên nhiên nuôi, cây này ít sâu bệnh, ít phân thuốc, nhẹ công chăm sóc. Năm nay nhờ biết thêm kỹ thuật làm bông sớm nên trúng mùa, được giá, mùng 2 Tết là cây có trái, đến cuối tháng 4 mới dứt điểm”- chú Ba phấn khởi nói.
Tính ra một vụ TT chua có thể đem lại lợi nhuận cho chú Ba đến nửa tỷ đồng- con số đáng kể đối với một loại cây từng bị xem là “cây mọc hoang”. Thế mà cây TT không chỉ nuôi sống người vun trồng, mà còn tạo việc làm mùa vụ cho nhiều người. Như tổ hái và thu mua TT của chị Nguyễn Thị Út- những người mà theo lời chú Ba là “ăn cơm dưới đất nhưng sống trên cây gần 2 tháng nay”.
Chỉ một thoáng, cánh đàn ông đã leo tót lên những đọt cây cao gần 5m, sọt nhựa cột chắc vào nhánh cây, vươn tay hái từng trái chín mọng. Trái ở tít trên cao vừa tròn đều, vỏ căng mịn, vị giòn ngọt- phải hái bằng tay, nhẹ nhàng kẻo giập. Leo miết mấy anh ai cũng lột da chân, mà khoái. Không khí thu hoạch hối hả vì đã gần cuối mùa TT, thương lái ghé liên tục, tranh thủ gom từng chuyến hàng cuối cùng cho kịp đợt bán cao điểm.
Nhanh tay phân loại, đóng cẩn thận từng trái TT vào thùng xốp, chị Út cho hay: “Công hái 400.000 đ/ngày, bao ăn. Nghề này mỗi năm có một mùa, ai cũng có nghề khác nhưng cứ tới mùa là tụ lại để hái trái. TT này rất được thị trường ưa chuộng, hái tới đâu là giao hết tới đó, từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu…”.
Giữa tiếng cười nói xen lẫn tiếng ve bắt đầu gọi hè, chú Ba chỉ tay về hàng cây phía xa: “Thấy mấy gốc cây chừng gần 10 năm tuổi bên kia hông? Đó là giống TT ngọt do chú Năm Cập mày mò lai tạo, mất mười mấy năm thử nghiệm, mới làm cho cây “chịu” ra bông, đậu trái ngọt theo ý người”.
Ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường TX Bình Minh, cho biết: Cây TT được xem là cây trồng đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Thời gian qua, TX Bình Minh đã hỗ trợ cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu TT ngọt để mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển kinh tế du lịch. Trong năm qua, thị xã đã triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng TT ngọt trên địa bàn xã Đông Thành. Theo đó, hỗ trợ cây giống TT ngọt với diện tích trồng 5ha, với 1.000 cây. Hộ có diện tích tham gia mô hình ít nhất 0,2ha. Thời gian tới, địa phương khuyến khích người dân trồng theo hướng an toàn hữu cơ, có thương hiệu để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng TT ngọt để tạo vùng nguyên liệu, cung ứng cho thị trường. |
Trái ngọt từ duyên với đất
Nếu như TT chua là món quà thiên nhiên ban tặng, thì TT ngọt là thành quả của một hành trình được đúc kết bằng đam mê và tình yêu với đất. Hành trình ấy gắn liền với chú Huỳnh Văn Cập (chú Năm Cập), người đã gắn bó với cây TT ngọt suốt hơn 14 năm qua và hiện là Giám đốc HTX TT ngọt Đông Thành với 25 thành viên cùng diện tích 21ha.
Theo chân chú Năm Cập, chúng tôi bước vào một khu vườn mà từng gốc cây như được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Có cây được treo những chai nước nhựa tự chế để xua ruồi đen. Có cây được cẩn thận bao túi vải cho từng trái một- như khoác thêm những tấm áo choàng nhỏ xíu, giữ cho trái không bị côn trùng cắn phá. Có cây thì... ngủ trong mùng, mỗi cách đều là cách chú Năm Cập giữ gìn quả ngọt, tỉ mỉ hệt như chăm con.
Chú chỉ vào cây được “cưng nhất” đã 14 năm tuổi, từng trái tròn đầy, nặng tay, vỏ phủ phấn mịn, vị ngọt thanh: đó là cây gốc đầu tiên chú lai tạo thành công, cũng là nền móng cho thương hiệu TT ngọt Năm Cập- hiện đã đạt OCOP 4 sao, có truy xuất nguồn gốc và đạt chuẩn VietGAP.
Chú Năm Cập kể, trước đây, TT theo mùa trời, được thì mừng, không được thì chịu. Chú mê cây này từ nhỏ, lớn lên thấy cây mình trồng mà không điều khiển được thì thấy... tức cái mình. Sau đó, chú qua Thái Lan học hỏi, học cách họ chong đèn cho cây ra hoa. Phải hiểu cây, thương cây, chăm kỹ thì cây mới nghe lời.
![]() |
Chú Huỳnh Văn Cập giới thiệu cây thanh trà “cưng” 14 năm tuổi- khởi đầu cho thương hiệu thanh trà ngọt Năm Cập. |
“Ngày trước dân mình mê bưởi, thấy giá cao là bỏ hết TT. Nhưng bưởi cũng bấp bênh. Tôi hướng dẫn hết cho bà con, không giấu gì. Đây là cây có tiềm năng phát triển nhờ năng suất ổn định, giá trị kinh tế cao nếu được trồng bài bản, đúng kỹ thuật, góp phần mở ra một hướng đi bền vững cho nông dân”- chú Năm trải lòng.
Thời gian gần đây, vườn TT ngọt của chú Năm Cập đã đón vài đợt khách trong và nước ngoài tới tham quan. Họ thích thú không chỉ vì loại đặc sản chỉ có 1 mùa, mà còn vì cách mà người dân nơi đây nâng niu quả ngọt từ đất.
Mùa TT không dài- chỉ khoảng 3 tháng, nhưng đủ để gom góp thành một mùa thương, mùa nhớ. Từng chùm trái tròn trịa đong đưa trong gió, những bàn tay chai sần, làn da rám nắng bám vào đọt cây cao vút, ánh mắt dõi theo từng trái ngọt được hái về… tất cả tạo nên một bức tranh mùa vụ rộn ràng, đong đầy cảm xúc.
Dẫu là TT chua hay ngọt, đều là kết tinh của sự gắn bó giữa người và cây, bước tiếp nối giữa truyền thống và linh hoạt đổi mới. Cây cũng biết thương người- nếu được hiểu, được chăm và cũng chịu “nghe lời”, hồi đáp bằng những mùa trái oằn sai.
Rồi mùa trái sẽ qua, vườn cây lại xanh mát trong nắng. Nhưng với người dân Đông Thành, điều họ chờ đợi không chỉ là mùa trái chín, mà là mùa gặp lại nhau, mùa của hy vọng và niềm tự hào- mùa của những người biết yêu đất và những tán cây biết đền đáp ân tình.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Ngày hội TT và sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam với 135 món ăn chế biến từ TT do TX Bình Minh thực hiện là dịp để tôn vinh giá trị loại trái cây đặc sản này. Các món ăn từ tráng miệng như mứt, rau câu, yaourt, panna cotta đến nước uống như sinh tố, nước ép; hay món khai vị, món chính như canh chua, cá chiên sốt TT… đều được lựa chọn kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhằm tôn lên vị chua thanh đặc trưng, dân dã nhưng giàu dinh dưỡng của trái TT. Sự kiện không chỉ khẳng định khả năng chế biến đa dạng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Dù TT có thể trồng ở nhiều nơi, nhưng thổ nhưỡng vùng Bình Minh đặc biệt phù hợp, cho chất lượng trái vượt trội. Vĩnh Long kỳ vọng đây sẽ là lợi thế riêng- một “đặc quyền” mà vùng đất này cần gìn giữ và phát huy. |
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin