THÚC ĐẨY KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở ĐỊA PHƯƠNG :
Cần có chính sách đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ 

17:04, 18/04/2025

Ngày 17/4, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN- ĐMST-CĐS) ở các địa phương”. Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng, vai trò, những băn khoăn, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho KHCN- ĐMST- CĐS phát triển, theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

Tọa đàm thu hút lãnh đạo sở, ban, ngành các tỉnh ĐBSCL tham gia.
Tọa đàm thu hút lãnh đạo sở, ban, ngành các tỉnh ĐBSCL tham gia.

Nhận diện những khó khăn 

TS Nguyễn Hữu Xuyên- Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách KHCN, Bộ KH-CN, nhận xét về ĐBSCL: Vùng có tiềm năng ứng dụng KHCN cao vào sản xuất nông nghiệp; mạng lưới các viện, trường ĐH ngày càng phát triển; nhân lực có năng lực, tiềm năng sáng tạo, có tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt trong nông nghiệp. 


Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn thiếu kết cấu hạ tầng KHCN hiện đại; hoạt động nghiên cứu và chuyển giao CN chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; tỷ lệ đầu tư cho KHCN còn thấp. Đây cũng là vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thiếu liên kết vùng trong đầu tư và phát triển KHCN, thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt ĐMST.


Theo TS Thái Kim Phụng- Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh: CĐS tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính phủ số tiếp tục được phát triển, hoàn thiện theo hướng trực tuyến và dựa trên dữ liệu.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam xếp thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia được đánh giá, tăng 15 bậc so với kỳ đánh giá năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm chỉ số phát triển chính phủ điện tử ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá của Liên Hiệp Quốc năm 2003. 


Tuy nhiên việc phát triển hạ tầng CN phục vụ CĐS cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin; hạ tầng số, nền tảng số của nhiều cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu trung tâm dữ liệu dùng chung, chưa bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin;… Nguồn lực phục vụ CĐS hiện nay vẫn được đánh giá là còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày tăng. 


Về KHCN, góc độ địa phương, PGS.TS Lâm Văn Tân- Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bến Tre, cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phối hợp quản lý, triển khai 125 nhiệm vụ KHCN. Trong đó, có 2 nhiệm vụ được đánh giá đạt kết quả xuất sắc, đã tạo ra 6 giống mới, xây dựng 147 mô hình, tạo ra 116 quy trình và đề xuất trên 200 giải pháp; 8 đối tượng được lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và 28 sản phẩm đã được thương mại”. Vị trí, vai trò của KHCN đối với đời sống xã hội, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. 


Theo các nhà khoa học, ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung có tiềm năng và có những bước tiến đáng kể về KHCN- ĐMST- CĐS. Tuy nhiên, để đáp ứng Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN- ĐMST- CĐS quốc gia vẫn còn không ít khó khăn. Thực tế trên đòi hỏi các chiến lược, chính sách triển khai Nghị quyết số 57 phù hợp với thực tiễn từng địa phương, dưới sự hỗ trợ của Trung ương. 

GS.TS Sử Đình Thành- Giám đốc ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, phát biểu: “Nghị quyết số 57 đặt mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, với nền kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP và thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc triển khai Nghị quyết số 57 tại các địa phương đóng vai trò then chốt, yêu cầu sự cụ thể hóa chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng sáng tạo của từng vùng”.

Quyết liệt và đồng bộ 

Đề xuất ý kiến cho KHCN- ĐMST- CĐS địa phương phát triển, ông Lâm Văn Tân, đề nghị: “Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường ĐH trong nghiên cứu KH, thử nghiệm CN; đẩy mạnh kết nối cung cầu CN để giới thiệu các thành tựu KHCN- ĐMST trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao CN, ĐMST; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và cộng đồng để họ có thể làm chủ các CN mới và sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Đại biểu đóng góp ý kiến từ thực tiễn địa phương.
Đại biểu đóng góp ý kiến từ thực tiễn địa phương.


Ông Lâm Văn Tân gợi ý, cần tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức KHCN tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN- ĐMST- CĐS của địa phương gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra được sản phẩm có giá trị thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Cần có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà KH giỏi, nhân tài tham gia vào các hoạt động KHCN- ĐMST- CĐS của tỉnh. Khuyến khích thu hút, tạo nguồn cán bộ KH từ sinh viên xuất sắc, cán bộ KH trẻ; hỗ trợ việc phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, có tiềm năng.


Để phát triển nhân lực CN số, ông Nguyễn Hải Long- Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo CN và ĐMST tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần ưu tiên chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhóm CN ABB. Để làm giảm sự thiếu hụt này, sự hợp tác 3 bên: doanh nghiệp, nhà trường và Nhà nước phải chặt chẽ. Nhà nước gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp- nhà trường và giúp cho 2 đối tượng này giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng thông qua các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, ông Nguyễn Hải Long đề nghị quan tâm đến đạo đức cho nhân lực. Như chúng ta đã biết, CN số sẽ phát sinh nhiều vấn đề tranh cãi về quyền riêng tư, thông tin dữ liệu cá nhân, thao túng, đưa thông tin sai lệch,… Do đó, cần tập trung xây dựng các khung chương trình đào tạo, giáo trình liên quan đến đạo đức đối với sinh viên những ngành CN, đặc biệt là các ngành CN mới. Đây phải là những môn học bắt buộc để chúng ta có một thế hệ nhân lực CN trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”. 

Nhìn chung, các nghị quyết về phát triển KHCN- ĐMST- CĐS là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển địa phương, đất nước. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công và mang lại hiệu quả lâu dài, các chính sách cần phải được triển khai quyết liệt và đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương.  

GS.TS Nguyễn Đông Phong- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh: “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các địa phương, trong việc triển khai Nghị quyết 57 vào thực tiễn. Chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị cao, tư duy đổi mới thực hiện đồng bộ, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, cấp tỉnh sự phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các địa phương, các trường ĐH đưa KHCN- ĐMST- CĐS trở thành động lực cốt lõi phát triển nhanh đất nước trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh