Quan tâm giải pháp phòng, chống tội phạm giết người

14:59, 01/04/2025

Những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, trong đó nhiều vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng, bất an trong Nhân dân. Do vậy, bên cạnh công tác điều tra xử lý, giải pháp phòng chống, ngăn chặn các nguyên nhân phát sinh tội phạm là vấn đề cần được quan tâm thực hiện tốt.


Theo số liệu thống kê của BCĐ Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138 Chính phủ), đa số các vụ giết người xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, còn lại là do côn đồ, băng nhóm tội phạm thanh toán nhau, “đâm thuê, chém mướn”, quẫn bách, lạc hậu, mê tín dị đoan...

Đối tượng gây án đa dạng về thành phần, đa số phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Đặc biệt, gần đây tình trạng giết người thân trong gia đình do mâu thuẫn, giết người do sử dụng ma túy, chất kích thích, mắc bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, theo đánh giá của BCĐ 138 Chính phủ là do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật. Các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng. Công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để. Các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế.


Có những vụ việc xuất phát từ cử chỉ, lời nói khiêu khích cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế rồi gây ra án mạng. Điển hình là vụ giết người do Trương Văn Út (SN 1978, tạm trú xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) gây ra, do mâu thuẫn nhất thời xuất phát từ một tin nhắn trong điện thoại mà Út đã nhẫn tâm sát hại và phân xác vợ là bà D. quăng xuống sông phi tang. Hành vi phạm tội man rợ này của Út đã phải trả giá bằng mức án tử hình.


Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1676 về tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người. Qua 4 năm triển khai thực hiện, các tỉnh, thành đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.

Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh được khuyến khích và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Chuyển hóa thành công nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn.


Theo báo cáo của BCĐ 138 Chính phủ, các vụ án giết người xuất phát từ những mâu thuẫn đã có từ trước đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2023 (từ 817 vụ năm 2023 xuống còn 400 vụ năm 2024) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm giết người (34,78%).

Tình trạng này là do các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân đều được chính quyền và các tổ hòa giải tại cơ sở quan tâm giải quyết, tuy nhiên có một số vụ việc chỉ giải quyết được “phần ngọn” mà không giải quyết triệt để “phần gốc” của mâu thuẫn, dẫn đến một bên hoặc các bên tranh chấp không thỏa mãn được mong muốn nhất định của mình làm tiềm ẩn phát sinh hoặc “bùng nổ” mâu thuẫn về sau.

Trong khi đó, các vụ giết người xảy ra sau khi sử dụng rượu, bia dẫn đến mâu thuẫn chiếm 20,17%. Số vụ án giết người do đối tượng có biểu hiện rối nhiễu tâm trí, đối tượng mắc bệnh tâm thần tăng đột biến trong năm 2024 (từ 28 vụ năm 2023 lên 69 vụ năm 2024).


Dự báo tội phạm giết người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là do mâu thuẫn về kinh tế, từ tranh chấp đất đai, tài sản, ghen tuông tình ái, mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc bộc phát khi sử dụng rượu bia, va chạm giao thông,... cũng có thể xuất phát từ trình độ văn hóa lạc hậu của đối tượng, do mê tín dị đoan...

Đối tượng phạm tội giết người đa dạng về thành phần, đa số phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự hoặc do người nghiện ma túy, “ngáo đá”, tâm thần, các đối tượng ở tuổi vị thành niên gây án nên khó khăn trong công tác nhận diện. BCĐ 138 Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành tập trung thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân, các mâu thuẫn gia đình và giữa các nhóm thanh thiếu niên.

Đối với Bộ Công an, phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nghiên cứu chế tài đối với việc mua bán, sử dụng rượu, bia nhằm hạn chế nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm giết người nói riêng.

Năm 2024, cả nước xảy ra 1.150 vụ giết người với 1.312 nạn nhân (735 người chết, 577 người bị thương). Có đến 63,83% số vụ xảy ra do nguyên nhân bộc phát nhất thời, 34,78% số vụ do mâu thuẫn từ trước. Cơ quan điều tra đã khởi tố 100% số vụ, 1.666 bị can. Riêng TAND các cấp xét xử theo thủ tục sơ thẩm 2.439 vụ với 5.164 bị cáo phạm tội giết người.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh