Hòa cùng không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Truyền hình Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến quý khán giả những tác phẩm đặc sắc của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
![]() |
Dù ra đời cách đây gần nửa thế kỷ với những kỹ thuật quay hình thô sơ cùng nhiều khó khăn thời cuộc, nhưng bằng những cố gắng của đoàn phim cùng khát khao tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc, các tác phẩm điện ảnh: Ván bài lật ngửa, Hòn đất, Mùa gió chướng, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang,… đã đi sâu vào lòng khán giả mộ điệu.
Những tác phẩm này vẫn sống mãi theo dòng thời gian bởi sự chân thực trong từng thước phim, cả giá trị lịch sử mà bộ phim để lại. Và vẫn còn đó rất nhiều những câu chuyện bên lề thú vị về các bộ phim.
Những con người làm nên kiệt tác
+ Áo khoác lãng tử là áo mưa cũ
Bộ phim “Ván bài lật ngửa” do nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển thể từ tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” do chính ông sáng tác. Kịch bản xúc tích, lời thoại thông minh, ý nghĩa là một trong những nguyên nhân góp phần giúp bộ phim thành công.
Cùng với bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, bộ phim xây dựng những thước phim căng thẳng bởi cuộc đấu trí mang tính chất sống còn của những chính trị gia với Nguyễn Thành Luân, đồng thời làm nổi bật sự thông minh, điềm đạm và linh hoạt của một nhà tình báo chuyên nghiệp giữa Sài Gòn đầy biến động. Tác phong hào hoa, lịch lãm trong từng ánh mắt, cử chỉ đến nét diễn trầm tĩnh, thông minh, cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín hoàn toàn thuyết phục người xem trong vai Nguyễn Thành Luân.
Bên cạnh ngoại hình và diễn xuất, cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín còn gây ấn tượng bởi trang phục phù hợp, đầy nam tính và lãng tử. Vậy nhưng, theo lời ông kể, chiếc áo khoác đen đầy bí ẩn của nhân vật Nguyễn Thành Luân thực chất là chiếc áo mưa cũ của quân đội Mỹ; hay chiếc nón nỉ cũng được ông thuê để đóng phim.
+ Xa con để đóng phim
Tác phẩm “Hòn đất” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức. Phim kể lại cuộc chiến đấu kiên cường của bà con xứ Hòn Đất (Kiên Giang) trước kẻ thù hung bạo, vũ khí hiện đại, trong đó có chị Sứ- người nữ du kích gan dạ, trọn lòng với cách mạng. Chị cùng với bà con Hòn Đất hết lòng nuôi giấu, che chở cách mạng và chị đã ngã xuống trong niềm tiếc thương của người dân nơi đây để bước tiến của bộ đội ta được tiếp tục.
Với “Hòn đất”, chị Sứ- nữ du kích dũng cảm, kiên cường- được giao cho môt diễn viên không chuyên. Bà Ngô Thị Hiệp Định, một giáo viên dạy Sử của Trường Trung học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bà vào vai chị Sứ khi vừa sinh con đầu lòng được một năm và chấp nhận xa con, chịu đựng bao vất vả để hoàn thành vai diễn.
+ Đỉa cắn vẫn… không buông súng
Đó là kỷ niệm của diễn viên Thùy Liên (Sáu Linh- phim “Mùa gió chướng”), những kỷ niệm ấn tượng mà bà không thể quên chính là 3 tháng quay phim với bối cảnh tại Đồng Tháp vào đúng mùa nước nổi khiến đoàn phim gặp nhiều gian khổ, thiếu thốn. Phần bà thường bị đỉa bám khắp bắp chân khi quay cảnh ngâm mình dưới nước và cầm súng…
Với “Mùa gió chướng” người xem lại được nhìn thấy một câu chuyện cầm súng của đôi vợ chồng người nữ du kích Sáu Linh. Họ đối đầu với những trận càn quét ác liệt, cái chết đã chạm lưng nhưng vẫn mưu trí, ngoan cường vượt qua và còn binh vận khéo khiến tên Đại úy Long phải quay đầu “đoái công chuộc tội”.
+ Đổ máu để làm tròn vai diễn
Không bị đỉa bám như diễn viên Thùy Liên nhưng diễn viên Hai Nhất lại là người gặp “tai nạn nghề nghiệp” nhiều nhất trong đoàn phim Biệt động Sài Gòn. Trong một phân cảnh bị bắn, ông bị Thúy An (vai Ngọc Lan) dùng đạo cụ là súng thật đã lấy đầu đạn nhưng vẫn còn thuốc súng bắn trúng mu bàn tay và phải vào bệnh viện Thống Nhất; hay khi ông bị diễn viên Thương Tín diễn xuất nhập vai đá trúng chỗ hiểm…
“Biệt động Sài Gòn” được mệnh danh là tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ghi lại những cuộc đấu trí vô cùng ngoạn mục của những chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch. Phim không chỉ khắc họa những cảnh đấu súng căng thẳng giữa ta và địch mà còn đan xen nhiều yếu tố thi vị: tình quân dân cảm động, tình yêu đôi lứa trong thời chiến của các chiến sĩ biệt động.
+ Hai hình ảnh ấn tượng của “Cánh đồng hoang”
“Cánh đồng hoang” chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem với câu chuyện chiến đấu kiên gan của đôi vợ chồng chốt trạm Ba Đô- Sáu Xoa. Họ đã sống và tiến bước cùng cách mạng. Hình ảnh ấn tượng mà nhiều thế hệ khán giả không thể quên có lẽ là cảnh đứa con của vợ chồng Ba Đô được cho vào túi nilon và dìm xuống nước để che giấu. Cảnh quay chân thực đến mức khiến người xem rơi nước mắt bởi sự khốc liệt của chiến tranh.
Sự đối lập của tiếng trực thăng chiến đấu hung hãn, mạnh mẽ trên bầu trời và tiếng khóc mong manh trước sự sống bị đe dọa của một gia đình nhỏ đang ngâm mình dưới nước. Diễn viên nhí Nguyễn Văn Thuận khi ấy chỉ 10 tháng tuổi nhưng đã rất ngoan và “diễn xuất” ăn ý với “ba mẹ” (diễn viên Lâm Tới và Thúy An).
Và hình ảnh người mẹ tay bồng con, tay cầm súng đứng dậy sau cái chết của chồng đã trở thành hình ảnh khó quên, đầy kiên cường mang tính biểu tượng cho người phụ nữ Nam Bộ trong chiến tranh đến hôm nay.
Ngoài những tác phẩm kinh điển trên, trong loạt phim chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, THVL sẽ giới thiệu đến quý khán giả bộ phim “Đường xuyên rừng” sản xuất năm 2015, với nội dung xoay quanh hành trình vượt rừng, thoát vòng vây của một đoàn người gồm bộ đội, lính thông tin, nhà văn, văn công … Đó là Vinh (Trương Thế Vinh), Thu Hà (Tăng Huỳnh Như), vợ chồng ông Tư Nghệ, ông Chín Nếp và những chiến sĩ thông tin. Trong khói lửa chiến tranh, tình yêu của Vinh và Thu Hà như làn gió mát lành trong trẻo.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ dẫn dụ địch của nhóm chiến sĩ thông tin, đoàn người không ít lần rơi vào nguy hiểm bởi sự bám sát của địch. Dù vậy, họ vẫn không rời bỏ nhau! Với sự thông minh, quả cảm, Vinh quyết tâm đưa đoàn người thoát khỏi trận càn của địch. Nhưng, cuộc chiến nào cũng có những mất mát, hy sinh!
Những nguyên mẫu đời thật của các vị anh hùng trên phim
Một bộ phim thành công khi nhân vật được xây dựng thành công. Trong loạt tác phẩm điện ảnh cách mạng, có không ít những bộ phim lấy nguyên mẫu từ đời thật để xây dựng nên những vị anh hùng kiên trung, bất khuất.
Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”, nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân (cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín thủ vai) là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo.
Với bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, nhân vật Sáu Tâm (diễn viên Thương Tín thủ vai) có nguyên mẫu là ông Bảy Bê, nguyên chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Bên cạnh đó, bộ phim còn lấy nguyên mẫu chủ hãng sơn Đông Á, ông Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai) với những hoạt động bí mật nhưng góp phần không nhỏ trong trận đánh Mậu Thân.
Cũng trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, ni sư Huyền Trang là hình tượng được xây dựng từ Ni sư trưởng Thích Nữ Diệu Thông. Năm 2021, Ni sư trưởng Thích Nữ Diệu Thông đã được trao tặng danh hiệu “Hiền tài đất Việt” nhằm ghi nhận sự cống hiến và hy sinh của Ni sư trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với sự góp mặt của những gương mặt đã tạo dấu ấn cho dòng phim cách mạng như Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín, Thúy An, Ngọc Lan, Lâm Tới, Hai Nhất… loạt tác phẩm kinh điển: Ván bài lật ngửa, Hòn đất, Mùa gió chướng, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Đường xuyên rừng đã và đang được phát sóng vào lúc 20 giờ các ngày trong tuần trên THVL2. Kính mời quý khán giả chú ý đón xem.
KHÁNH QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin