Những học sinh lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học

14:34, 02/04/2025

Các bạn là những học sinh đoạt giải nhất nhì trong Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2024-2025; góp phần lan tỏa niềm đam mê khoa học, kỹ thuật trong nhà trường. 

Hệ thống hỗ trợ an toàn cho ngôi nhà.
Hệ thống hỗ trợ an toàn cho ngôi nhà.


Giải nhất: “Hệ thống hỗ trợ an toàn cho ngôi nhà” 


Dự án của 2 nam sinh Nguyễn Hoàng Huy, Huỳnh Minh Trọng đến từ lớp 11 A1, Trường THPT Trà Ôn (huyện Trà Ôn). Xuất phát từ tin tức những vụ cháy hàng năm, Hoàng Huy và Minh Trọng đã phân tích, đề xuất ý tưởng có 1 ngôi nhà an toàn, hạn chế tối đa khả năng bị ảnh hưởng khi có sự cố cháy nổ.

Hoàng Huy, chia sẻ: “Số vụ cháy nổ hàng năm tại Việt Nam có xu hướng gia tăng gây thiệt hại đáng kể cho người và tài sản. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2024 toàn quốc xảy ra hơn 2.200 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 130 tỷ đồng. Có thể thấy sự an toàn của ngôi nhà không chỉ bị đe dọa của rò rỉ khí gas mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó, có rò rỉ nước và chập điện. Chính vì vậy, chúng em đề ra giải pháp là hệ thống hỗ trợ an toàn cho ngôi nhà tích hợp phát hiện rò rỉ khí gas, báo cháy, chữa cháy; phát hiện rò rỉ nước và công tơ điện thông minh”.


Theo nhóm nghiên cứu, tính mới của mô hình này là phát hiện rò rỉ khí gas, khí CO đồng thời khóa van gas, bật quạt thông gió và gọi điện, nhắn tin cho chủ nhà. Phát hiện và chữa cháy tự động, khóa van gas khi có cháy đồng thời gọi điện, nhắn tin định vị GPS.

Phát hiện có người trong đám cháy. Hệ thống tự động khóa có khả năng tự động ngắt nguồn cấp nước khi phát hiện sự cố. Công tơ điện thông minh có thể phát hiện sự cố như mất điện, rò rỉ điện hoặc sử dụng điện bất thường. “Thiết bị còn có thể cài đặt ngưỡng dòng điện và ngắt nguồn điện nhận giá trị vượt ngưỡng. App chương trình được cài đặt trên điện thoại thông minh thân thiện với người dùng”- Minh Trọng nói.


Giải nhì: “Găng tay thông minh theo dõi sức khỏe bệnh nhân” 


Dự án hướng đến sức khỏe con người của 2 học sinh lớp 9, Trường THCS Lưu Văn Mót (huyện Vũng Liêm) là Đặng Thị Thùy Trang và Lê Phạm Xuân Trường đoạt giải nhì tại cuộc thi. Thùy Trang cho hay: “Em áp dụng các môn học như là Sinh học, Vật lý là chủ yếu để làm ra sản phẩm dự thi này. Với ưu điểm là sự tích hợp đo nhiệt độ, đo nồng độ oxy trong máu và đo nhịp tim”.

Găng tay thông minh theo dõi sức khỏe bệnh nhân.
Găng tay thông minh theo dõi sức khỏe bệnh nhân.


Thường theo cha đưa bà nội đi khám bệnh ở bệnh viện, Thùy Trang thấy nhân viên y tế sử dụng ống nghe để nghe nhịp tim, máy đo huyết áp, có dấu hiệu sốt thì lại được phát nhiệt kế để cặp đo nhiệt độ. Trang cảm thấy dùng nhiều thiết bị như vậy rất mất thời gian, công sức và suy nghĩ làm sao có một dụng cụ có thể tích hợp 3 tính năng đó trên một sản phẩm.


Chia sẻ về ý tưởng của mình, Thùy Trang, cho rằng: “Chúng ta thường hay có những vấn đề về sức khỏe nhưng lại chủ quan, lơ là không thường xuyên kiểm tra. Đặc biệt, đối với những người lớn tuổi thường mắc các bệnh về huyết áp, tiểu đường, bệnh tim; trẻ em thì thường bị ho, sốt,… Sức khỏe cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời”. 


Thùy Trang, cho biết: “Em trao đổi với Trường và phát hiện chúng em có cùng ý tưởng và cùng đặt ra những câu hỏi làm thế nào để tích hợp được những tính năng đó trong cùng một sản phẩm. Và các chỉ số như thế nào thì phải đi đến bệnh viện để khám bệnh. Ngoài ra, dụng cụ còn có thể báo cho người nhà hoặc là báo cho bác sĩ biết để chữa trị kịp thời”. 


Trong quá trình thực hiện dự án, Trang và Trường không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là kinh phí để mua các linh kiện và những kỹ năng, kiến thức mà các bạn chưa được học. Trường trải lòng: “Nhờ được thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ chi phí mua thiết bị và đàn anh khối trên hỗ trợ phần mạch, mới có dự án hoàn chỉnh thành sản phẩm này”.


Giá thành để làm ra một sản phẩm từ 2-2,5 triệu đồng. Trong tương lai, nếu có thể đưa sản phẩm ra thị trường, Trang và Trường sẽ tìm những mạch có giá rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương để cho ra thị trường sản phẩm mà có giá thấp hơn, tiện dụng hơn, phổ biến đến mọi người.


Đồng giải nhì: “Phao thông minh” 


Dự án của nhóm học sinh Trần Gia Huy, Phan Duy Kha- lớp 12A6, Trường THPT Trà Ôn là sản phẩm đến từ lòng trắc ẩn của các bạn đến nạn đuối nước. 


Tình trạng đuối nước, đặc biệt là trẻ em vào mùa hè ngày càng gia tăng. Có khoảng 2.000 trẻ bị thiệt mạng mỗi năm; cá biệt có địa phương trong 1 tuần có 7 trẻ chết đuối. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cũng xảy ra những vụ đuối nước trẻ em. Do mạng lưới sông ngòi chằng chịt, người dân sinh hoạt gắn liền với sông nước nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, nhóm Gia Huy- Duy Kha đã tìm ra giải pháp là “Phao thông minh” giúp trẻ em cũng như mọi người phòng tránh đuối nước.

Phao thông minh.
Phao thông minh.


Tính sáng tạo của sản phẩm, theo Gia Huy: “Phao thông minh giúp xác định được người ở trạng thái té ngã, vị trí người bị té ngã để ứng cứu kịp thời. Có cả chức năng khẩn cấp và tự động. Có cơ chế dự phòng cho trường hợp hệ thống điện bị tê liệt”. Duy Kha, nói: “Nghiên cứu của chúng em không ảnh hưởng thời gian học tập, mỗi ngày có thể dành vài giờ sau khi xong việc học cùng bạn và thầy nghiên cứu, làm việc mình thích nên rất vui”. 

Dám nghĩ, dám thực hiện ý tưởng của mình; các bạn đã áp dụng kiến thức đã học và cho ra những dự án, mô hình khoa học, kỹ thuật ý nghĩa, đồng thời khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh. 

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: “Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh đã được tổ chức trong 10 năm qua, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Các dự án nghiên cứu không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn giúp thay đổi cách dạy, cách học trong nhà trường, thúc đẩy tinh thần học đi đôi với hành”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh