Ngọt chua trái giác 

15:29, 08/04/2025

Trái giác gắn liền với đời sống của người dân miền Tây và góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực thời khai hoang của vùng đất phù sa này. 

…“Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua”- trái giác đã nhẹ nhàng đi vào thơ ca dân gian.
…“Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua”- trái giác đã nhẹ nhàng đi vào thơ ca dân gian.


Chẳng biết tự khi nào trái giác đã nhẹ nhàng đi vào thơ ca dân gian: “Ai về thăm lại chốn xưa/ Đồng xa nhớ lắm mùa mưa đây rồi/ Vẳng nghe trong tiếng à ơi/ Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua” hay “Trái giác già, trái giác màu đen/ Thương người có nghĩa mấy phen hẹn thề”. 


Từ thời khai hoang cha ông ta đã tặng ta những món ăn ngon dân dã dù chỉ rau dại, trái hoang. Tạo nên sự phong phú và đa dạng trong ẩm thực miền Tây, chỉ điểm qua vị chua trong món canh chua thôi cũng rõ mồn một rồi. Nào là trái me, bần, khóm, chanh, xoài,… với những vị mang đặc trưng riêng biệt vốn có của mỗi loại. Trong đó còn phải kể đến vị chua của trái giác. Và rồi dần dà trái giác đã trở thành gia vị cho món ăn quen thuộc của người dân.


Giác là loài dây leo sống đời hoang dại, những dây giác gửi mình lên những cây cao to hơn mình, hay quấn chặt đời mình vào những loại dây leo khác… cứ thế sống đời “tầm gửi” nhưng sống rất lâu năm và xanh tươi màu lá. Người lớn còn bứt dây giác về nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ nhỏ rất hiệu quả.


Những trái giác kết dính với nhau thành từng chùm treo lủng lẳng. Khi còn non trái giác với màu xanh, đến lúc già ngả sang màu phớt hồng, đến chín có màu tím đen. Những chùm trái giác trông khác chi nho, nên còn được gọi là nho rừng. 


Trái giác có vị chua chua chát chát rất đặc trưng, chính vị ấy đã trở thành vị đặc trưng riêng tạo nên những món ngon, hấp dẫn nhiều người. Trái giác có thể chế biến thành nhiều món ăn mang hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Trái giác giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng. 


Những chùm giác mọng nước tặng đời những món canh, kho mang hương vị đồng quê. Ai thích ăn chua chua chát chát thì chọn trái còn xanh non, nếu thích chua thanh thì chọn trái già, ai thích màu tím và vị chua ngọt thì chọn những chùm giác chín tím đen. Khi nấu canh chua trái giác, bạn rất thích với những muỗng canh mang màu tím nhạt đẹp một cách tự nhiên. Cái nắng chao chát ăn tô canh chua trái giác để giải nhiệt còn chi bằng. 


Cá kho trái giác với món ăn đặc biệt và độc đáo của người miền Tây. Làm vài con cá rô, ướp thấm gia vị rồi bắc lên bếp với than riu riu, nước sền sệt cho trái giác vào vậy là có món cá kho trái giác rồi. Gắp miếng thịt cá cắn vào dịu vị chua, ngọt ngọt vị thịt kết hợp vị cay của ớt rất độc đáo. Chỉ có vậy thôi mà làm nhiều người nhớ và lâu lâu lại thèm hương vị trái giác quê.

Trái giác góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực thời khai hoang của vùng đất phù sa.
Trái giác góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực thời khai hoang của vùng đất phù sa.


Giờ trái giác được thu mua để làm mứt, ngâm rượu. Ngâm rượu với những trái chín mọng, có màu tím như những trái sim hay trái mồng tơi chín. Vị rượu ngọt và dễ uống. Trái giác vốn chỉ loại trái hoang giờ trở thành trái có giá trị kinh tế đường hoàng, là lộc trời ban chớ chơi đâu. 


Có người nói, cá nào kho với trái giác cũng ngon, nấu canh chua cũng lạ miệng, ngâm rượu cũng ghiền… Đúng vậy, ai đã lần thưởng thức qua sẽ không thể quên được vị đặc trưng của trái giác. 

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh