LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH TP HỒ CHÍ MINH- ĐBSCL :
Kết nối để phát triển bền vững

06:58, 05/04/2025

Với chủ đề “Nâng tầm kết nối- Phát triển bền vững”, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát huy vai trò trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch. Thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Đồng thời thúc đẩy, tạo sự liên kết lan tỏa trên nhiều lĩnh vực giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững, cùng phát triển.

Làng nghề gạch gốm bên kênh Thầy Cai thuộc Di sản đương đại Mang Thít. Ảnh: NSNA NGUYỄN HÒA BÌNH
Làng nghề gạch gốm bên kênh Thầy Cai thuộc Di sản đương đại Mang Thít. Ảnh: NSNA NGUYỄN HÒA BÌNH


Nâng tầm kết nối


Để thúc đẩy và phát triển du lịch từng địa phương, phát triển du lịch ĐBSCL, từ năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đã triển khai chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các địa phương nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị. Mỗi năm, các địa phương đều tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả công tác liên kết, từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động du lịch.

Các doanh nghiệp xây dựng tour tuyến hấp dẫn, độc đáo mang đặc trưng của Vĩnh Long.
Các doanh nghiệp xây dựng tour tuyến hấp dẫn, độc đáo mang đặc trưng của Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, chương trình liên kết còn góp phần phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng. Sự kết nối vùng thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc hợp tác tập trung vào 5 nội dung trọng điểm: Trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; truyền thông quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và xúc tiến đầu tư về du lịch.

Trong năm 2024, các đơn vị đã triển khai nhiều chương trình liên kết và đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể: Tổ chức thành công diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch, khảo sát xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sông từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng… Qua đó, giúp du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm, tham quan và tận hưởng những giá trị đích thực của du lịch đồng bằng.

Người dân tham gia làm du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực gắn với du lịch đường thủy.
Người dân tham gia làm du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực gắn với du lịch đường thủy.


Ông Nguyễn Hà Trung- Phó Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ, trong giai đoạn tới, đơn vị tập trung phát triển du lịch xanh, kết nối cộng đồng và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Đơn vị đã triển khai nhiều sáng kiến cụ thể, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch vừa độc đáo, vừa thân thiện với môi trường và gắn kết chặt chẽ với bản sắc vùng miền như: tour “Một ngày làm nông dân ĐBSCL”, “Hành trình văn hóa Chăm”, “Khám phá rừng tràm Trà Sư”, “Chợ nổi Cái Răng- Làng nghề truyền thống”,...

Để bảo đảm tính bền vững, Vietravel tích hợp yếu tố giáo dục vào các sản phẩm du lịch. Mỗi tour đều được thiết kế kèm theo nội dung hướng dẫn về bảo tồn văn hóa và môi trường, giúp du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn tài nguyên ĐBSCL.


Nỗ lực vì sự phát triển chung


Theo bà Lê Thị Thanh Nhân- Phó Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Vĩnh Long, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND để triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL năm 2025. 

Trên cơ sở liên kết du lịch, các địa phương tạo sự lan tỏa liên kết trên tất cả các lĩnh vực.
Trên cơ sở liên kết du lịch, các địa phương tạo sự lan tỏa liên kết trên tất cả các lĩnh vực.


Trong liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Vĩnh Long hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đưa vào khai thác tour, tuyến liên kết. Tập trung khai thác du lịch làng nghề với làng nghề gạch, gốm thuộc di sản đương đại Mang Thít làm trọng tâm, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Vĩnh Long với các tỉnh trong khu vực. Tham gia phát triển các chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị lịch sử các vùng biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tiếp tục thực hiện và phát triển các điểm bán quà tặng, quà lưu niệm phục vụ du khách tại các di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…

Trong liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phối hợp tổ chức không gian kết nối doanh nghiệp du lịch và người tiêu dùng về sản phẩm du lịch liên kết 14 địa phương trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2025. Tham gia chương trình quảng bá du lịch tại các tỉnh miền Trung. Phối hợp triển khai thực hiện quảng bá điểm đến du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên nền tảng ứng dụng bản đồ thông minh 3D/360 của TP Hồ Chí Minh. 

Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tỉnh sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cơ sở kinh doanh du lịch; người dân tham gia làm du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực du lịch tại các điểm đến gắn với du lịch đường thủy tại tỉnh. Cùng với đó, thúc đẩy xúc tiến đầu tư bằng cách cùng xây dựng cẩm nang điện tử giới thiệu danh mục các dự án xúc tiến đầu tư du lịch và cung cấp thông tin về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh lực du lịch tại 14 địa phương…

Triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 14 địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, mục tiêu là phát huy vai trò kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, đặc biệt là du lịch; giới thiệu, quảng bá các điểm đến du lịch Vĩnh Long. Đồng thời, phát triển thương hiệu du lịch Vĩnh Long gắn với thương hiệu du lịch vùng; trên cơ sở liên kết phát triển du lịch tạo sự lan tỏa liên kết trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó, phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, đặc trưng của Vĩnh Long với mỗi địa phương và của cả vùng.

Chiều 3/4, Viettel Telecom cho biết đã điều chỉnh gói cước internet cố định thấp nhất lên tốc độ 300 Mbps. Trước đó, lần lượt VNPT và FPT cũng thực hiện động thái tương tự, với mức giá không đổi.
Cụ thể, người dùng gói cước thấp nhất giá 180.000 đồng/tháng của 3 nhà mạng đều được cung cấp tốc độ 300 Mbps, gấp 2 lần mức 120-150 Mbps trước đó. Ở các tùy chọn giá cao hơn như 250.000-300.000 đồng, tốc độ cam kết cũng được nâng tương ứng, có thể đạt 500 Mbps và tối đa 1 Gbps.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh