Lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân: Nhiều kiến nghị kết nối thị trường nông sản, tránh “được mùa mất giá”

13:05, 18/04/2025

Sáng 18/4, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến với nông dân, kết nối với 8 huyện, thị xã, thành phố. Ghi nhận tại hội nghị, có đến 8/16 ý kiến của nông dân xoay quanh vấn đề hàng hóa nông sản không ổn định, giá cả vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi tăng cao… Tỉnh có những giải pháp gì để giúp nông dân kết nối thị trường, tránh tình trạng “được mùa mất giá”?

Vĩnh Long online lược ghi một số ý kiến tại hội nghị:

*Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: 6 nhóm nội dung cần lưu ý

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Một là, nhóm nội dung liên quan đến chuyển đổi cây trồng và giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương, tăng thu nhập của người sản xuất.

Thời gian qua, chuyển đổi cây trồng đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt đối với nhóm cây trồng chủ lực, tiềm năng của tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Tuy nhiên, để giúp người dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững, tôi đề nghị các địa phương cần có kế hoạch triển khai cụ thể, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo địa bàn phụ trách. 

Hai là, phát triển nông nghiệp hữu cơ, đây là nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp chủ trì, triển khai kế hoạch thực hiện. Các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải nhằm thực hiện thắng lợi đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ba là, thông tin liên quan đế xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản. Việc xây dựng mã số vùng trồng đối với sản phẩm nông sản là một phần quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng mã số vùng trồng trong thời gian qua vẫn gặp phải không ít khó khăn. Đề nghị ngành Nông nghiệp nghiên cứu đẩy mạnh thực hiện, cũng như tăng cường phối hợp trong quản lý mã số, tạo sự công bằng người dân.

Bốn là, về định hướng, kế hoạch quảng bá, kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản, đây cũng là nhóm nội dung được quan tâm nhiều nhất hôm nay. Phát triển nông nghiệp giai đoạn này cần gắn liền khâu sản xuất với tiêu thụ, phát triển theo chuỗi giá trị vì mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Năm là, thông tin về nội dung giải pháp thích ứng xâm nhập mặn: Về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lỡ bờ sông… vốn phức tạp, tốn thời gian và kinh phí. Và trong giai đoạn hiện nay, buộc chúng ta phải chủ động thích ứng, phải biết kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình để giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Sáu là, thông tin về giải pháp, điều kiện cho vay tín dụng đối với HTX sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ,…. Qua thông tin phản hồi từ Ngân hàng nhà nước, CN Khu vực 14; tôi thống nhất với ác giải pháp mà lãnh đạo Ngân hàng đề xuất, rất mong Ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng phối hợp với các ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng cho các HTX.

*Hiện giá cả nông sản không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao, các liên kết sản xuất chưa bền vững, lưu thông hàng hóa bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Thời gian qua, sản xuất có năng suất, nhưng không xuất khẩu được đã làm ảnh hưởng đến giá cả. Giải pháp gì để hỗ trợ cũng như tháo gỡ để người dân tăng thu nhập?


Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường

 

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã chung tay thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá nông sản; khảo sát các chợ đầu mối để định hình và tìm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không thể can thiệp vào thị trường để có giá bán tốt hơn; chúng ta chỉ có thể chủ động giảm chi phí sản xuất để giảm thiểu tác động trong tình huống giá thấp, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để sản phẩm có giá bán cao hơn. Vì vậy, hiện tại và thời gian tới, tỉnh đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành triển khai các hoạt động:

Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hướng dẫn về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm nông nghiệp gắn với mã số vùng trồng. Thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản để kết nối tiêu thụ.

Tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn sản xuất ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn. 

Đẩy nhanh công tác hướng dẫn thiết lập hồ sơ và quản lý mã số vùng trồng cho nông dân, tổ chức, cá nhân liên quan.

Xây dựng và ban hành chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ.

Tạo điều kiện mời gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến nông sản, dịch vụ kinh doanh máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiết bị và dây chuyền công nghệ và khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Về phía bà con nông dân cần tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng: Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất. Thực hiện các quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Liên kết lại để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để thuận lợi trong tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Các ngành, các cấp sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để sản xuất và tiêu thụ thuận lợi hơn.

*Thời gian tới, tỉnh có những định hướng và kế hoạch như thế nào cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và định hướng chuyên sâu sản phẩm nông nghiệp; xác định những mặt hàng nông nghiệp chủ yếu phục vụ du lịch?

Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công Thương

 


Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, triển khai các Đề án nâng cao năng lực xuất khẩu giai đoạn 2021-2025; Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông- thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025; Đề án Khuyến công và Khuyến công địa phương góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, ký kết tiêu thụ hàng hóa.

Tiếp tục tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh. 
Phối hợp sở, ngành có liên quan, địa phương, đặc biệt Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin thị trường phục vụ sản xuất; tháo gỡ vướng mắc về các điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa từ khi sản xuất- thu hoạch- tiêu thụ, góp phần đáp ứng yêu cầu các thị trường và nhà phân phối. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng kênh phân phối tiêu thụ nông sản bền vững, ổn định. 

Sở Công Thương tăng cường công tác kết nối cung cầu, tập trung vào công tác liên kết với các nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ nông sản để đảm bảo tiêu thụ ổn định lâu dài, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án nhà máy chế biến nông sản, các kho lạnh thông minh bảo quản nông sản tại tỉnh Vĩnh Long. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ người sản xuất, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước chuyển đổi số, kinh doanh kết hợp giữa hình thức thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.

Các ngành và địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp để tăng cường khả năng dự báo thị trường, chủ động trong sản xuất, ước tính được sản lượng thu hoạch vào các thời điểm trong năm để tìm đầu ra tiêu thụ ngay từ đầu mùa vụ, tránh bị động khi vào vụ.

Ông Phạm Minh Hoàng- Quyền Giám đốc Sở Văn hóa- TT- DL

 

Ngày 31/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2488/QĐ-UBND về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025. Trong đó, có giao các ngành chủ động phối hợp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Văn hóa- TT- DL phối hợp trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng các hoạt động cụ thể như: Khảo sát, giới thiệu các điểm vườn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm hái trái khi vào mùa vụ; tham quan, khảo sát các làng nghề để xây dựng điểm đến, tour tham quan, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm làng nghề; giới thiệu các sản phẩm OCOP trưng bày tại các điểm đến văn hoá, du lịch để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách khi đến Vĩnh Long, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh tại các hội nghị, hội thảo; phối hợp tổ chức các hoạt động tôn vinh sản phẩm địa phương tại các sự kiện, lễ hội.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành phát huy những mặt đạt được, đồng thời định hướng chuyên sâu, giới thiệu các mặt hàng nông nghiệp phục vụ du lịch như: Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ các điểm vườn trái cây phục vụ du khách hiện có, đưa yếu tố an toàn chất lượng sản phẩm lên hàng đầu trong phục vụ khách du lịch, khẳng định chất lượng đã công bố theo các tiêu chuẩn quy định.

Đối với các sản phẩm làng nghề (gạch, gốm đỏ Mang Thít; tàu hũ ky Bình Minh, bánh tráng Cù lao Mây- Trà Ôn…) đã phục vụ du khách thời gian qua, sẽ tiếp tục phát huy giá trị thu hút du khách, đặc biệt phải quan tâm tính thẩm mỹ hướng đến giá trị quà tặng, quà lưu niệm du lịch.

CAO HUYỀN (lược ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh