Lá bép rau rừng

22:11, 07/04/2025

Chúng tôi lên Đắk Nông trong mùa nắng gió. Lưng chừng đèo trên QL28 đoạn qua các xã Đắk Plao, Đắk Som, huyện Đắk Glong, để đến hồ Tà Đùng. Chúng tôi trải nghiệm mênh mông lòng hồ, quây quanh những “đảo” đồi chập chùng và thưởng thức hương vị núi rừng Tây Nguyên.
 

Bỏ lại những mệt nhọc, cùng hòa vào thiên nhiên hồ Tà Đùng giữa núi đồi.
Bỏ lại những mệt nhọc, cùng hòa vào thiên nhiên hồ Tà Đùng giữa núi đồi.

Các bạn đồng nghiệp Đắk Nông hồ hởi, nhiệt tình, bảo các anh phải đi một buổi đứng hoặc nhẩn nha hơn thì cả ngày mới hết lòng hồ. Cá lóc đây là cá nuôi bè trong hồ, cá kìm kia là cá của lòng hồ, gà ở trên đồi, cơm lam nướng ống nứa, rau rừng lá bép cũng trên đồi núi cả...

Giữa bao la sóng nước và chập chùng đồi, câu chuyện chúng tôi dành cho nhau là ngày tác nghiệp, thời sự,... núi đồi, là cá lòng hồ, rau rừng lá bép. Cá lóc nướng thịt trắng phau. Khô cá kìm thịt thơm ngọt. Lá bép vị bùi, thanh, thường chế biến thành nhiều món: xào tỏi, xào đọt mây, luộc, nấu canh cùng thịt gà, nấu canh thụt cá suối ăn kèm cơm lam hoặc ăn sống.


Lá bép còn có tên lá nhíp, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm, là một loại rau rừng, đặc sản của miền Trung, Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ nước ta. Bà con ở Tây Nguyên coi lá bép là cây rau, cây thuốc, là một thực phẩm bổ dưỡng. Lá bép có nhiều ở vùng rừng rậm rạp, che phủ nhiều, giữ đất ẩm. Lá bép hầu như có quanh năm, nhưng mùa mưa thường mới nhiều, thu hút bà con đồng bào dân tộc thiểu số đi hái, còn mùa nắng thì ít lá non.


Anh bạn ở đây nói loại rau rừng này được hái, bày bán, và đi vào nhà hàng thành món đặc sản để thực khách trải nghiệm. Anh bạn bảo, đĩa lá bép xào đọt mây kia dễ chừng có giá đến... 200.000 đồng. Giá trị ấy có ở sự kỳ công, khi đồng bào dân tộc thiểu số đi hái đọt bép, đọt mây trên đồi núi về, nhặt ra những lá non, đọt non (bỏ đi phần lá, cọng già) mới chế biến nên món ăn được.

Và chính việc đi hái lá bép ở rừng về bán thành đặc sản cũng là một cách có thêm thu nhập hàng ngày. Vì đĩa rau bép xào đọt mây ấy phải từ mấy bó lá bép, đọt mây mà thành. Ngon là một chuyện, và sự kỳ công đem đến giá trị là vậy.

Thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản Tây Nguyên: lá bép xào đọt mây, khô cá kìm từ lòng hồ, mang “hương rừng, vị suối”.
Thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản Tây Nguyên: lá bép xào đọt mây, khô cá kìm từ lòng hồ, mang “hương rừng, vị suối”.
 


Đặc biệt, lá bép non nhồi với cá suối, nhét vào ống lồ ô, ống nứa, nướng chín trên bếp lửa trở thành món “canh ống”, “canh thụt” hương vị tuyệt vời. Hương vị ấy được cảm nhận là sự pha trộn, “nhồi”, “nhét” giữa hương rừng và vị suối, là bữa ăn đi rừng hái lá, lấy măng, là món truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số, có từ xưa, được lưu truyền, và nay thành một trong những món đặc sản “gây thương nhớ”, nơi có rau rừng hoang sơ nhưng ấm tình yêu thương. 

Chúng tôi ấn tượng mãi với lá bép rau rừng, trên những núi đồi chập chùng hòa vào sóng nước mênh mang lòng hồ Tà Đùng ấy. Câu chuyện với anh em đồng nghiệp Đắk Nông giữa hồ Tà Đùng, quanh các “đảo” đồi chập chùng, trên bao la sóng nước, cùng rau rừng, cá hồ, cơm lam,... vẫn nên thơ và hữu tình như chính cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây mang lại.

Hồ Tà Đùng thuộc địa phận 2 xã Đắk Plao, Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nơi QL28 chạy qua, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 270km, cách trung tâm TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông khoảng 50km. Hồ Tà Đùng hay còn được gọi là hồ thủy điện Đồng Nai 3, là hồ nhân tạo nằm trong Vườn Quốc gia Tà Đùng. Hồ Tà Đùng xinh đẹp với làn nước trong xanh, sóng gợn, lòng hồ có diện tích hơn 3.600ha, độ sâu trung bình là 20m, bao quanh hồ là vùng núi đồi rộng lớn gồm 47 đảo lớn nhỏ với muôn hình dáng. Hồ Tà Đùng được ví là “Vịnh Hạ Long” giữa đại ngàn Tây Nguyên, với những ngọn núi, đồi nhấp nhô trên mặt nước, cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ, là điểm đến của du khách tham quan, trải nghiệm vùng đất Đắk Nông.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh