Thời gian qua, để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản (TS), ngành TS đã duy trì thực hiện hoạt động thả cá giống ra môi trường tự nhiên. Qua đó, mang lại kết quả tích cực trong việc tái tạo nguồn TS, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
![]() |
Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. |
Hàng năm, vào ngày 1/4, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành TS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát động phong trào thả giống ra tự nhiên tái tạo nguồn lợi TS trên phạm vi toàn quốc. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã hưởng ứng phong trào này. Trong đó, Vĩnh Long là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi TS.
Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y và TS (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đều tổ chức các hoạt động thả cá vào ngày 1/4, cũng như phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức, cá nhân thả hàng triệu con cá ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi TS.
Bên cạnh đó, ngành TS cũng đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi TS, phối hợp thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về sử dụng xung điện, kích điện, hóa chất độc để đánh bắt TS trong tỉnh.
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi Thú y và TS đã phối hợp UBND xã An Bình (huyện Long Hồ) tổ chức lễ thả cá giống ra tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi TS. Trong đợt thả cá lần này có 374.000 con cá giống các loại được thả ra tự nhiên, như cá lóc, cá trê, cá rô, cá mè vinh, cá trắm cỏ, cá điêu hồng,... với tổng trị giá trên 210 triệu đồng. Trong đó, có 30 triệu đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại trên 181 triệu đồng và 22.000 con cá giống từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành TS.
Theo ngành chức năng, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi TS là một việc làm có ý nghĩa và hết sức thiết thực, là một trong những biện pháp nhằm tái tạo, phục hồi các loài TS đang bị suy giảm, có nguy cơ bị tuyệt chủng giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi TS. Đồng thời, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi TS.
Lần thứ 3 tham gia hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi TS, Lê Tuấn Kiệt- sinh viên Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Em thấy hoạt động thả cá có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi TS, góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, lợi ích của việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi TS của địa phương”.
Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác đánh bắt TS chưa được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng ngư cụ đánh bắt chưa đúng quy định, thiếu chọn lọc,… là những nguyên nhân chính làm cho nguồn lợi TS trên sông ngày càng suy giảm.
Do đó, hoạt động thả cá ra môi trường tự nhiên thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi TS. Đây là dịp để tuyên truyền đến các tầng lớp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi TS trong tự nhiên, từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi TS. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các giống TS ở các vùng nước tự nhiên, duy trì và ổn định số lượng các giống TS cũng như sản lượng TS khai thác hàng năm.
Theo ông Phước, việc tái tạo bổ sung nguồn cá tự nhiên và việc nâng cao kiến thức về bảo vệ nguồn lợi TS bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có những giải pháp hợp lý trong công tác quản lý và phát triển với nghề khai thác, nuôi trồng TS.
“Nhân sự kiện thả cá ra môi trường tự nhiên, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành TS và người dân hãy chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi TS cho hiện tại và cho thế hệ mai sau. Đồng thời, đề nghị các đơn vị từ xã đến ấp đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ bị cấm để khai thác TS; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi TS, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm, nghề cấm và các loài trong danh mục cấm; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi TS; tuyên truyền người dân không khai thác TS mang tính hủy diệt như: sử dụng công cụ khai thác có mắt lưới nhỏ, sử dụng xung điện hay dùng hóa chất độc hại để đánh bắt TS, đánh bắt ở vùng cấm khai thác TS…”- ông Phước cho biết thêm.
TS Phạm Thị Thu Hồng- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: Phong trào thả cá tái tạo nguồn lợi TS là một trong những biện pháp nhằm phục hồi, tái tạo lại các loại TS đang bị suy giảm, thông qua đó nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi TS.
Ông Tạ Văn Thảo- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và TS, cho biết: Chiến lược phát triển TS của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã xác định: “Hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi TS phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng”. Với ý nghĩa to lớn như vậy với cộng đồng, việc thả cá ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi TS nhân ngày 1/4 cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành TS và người dân để hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi TS ngày càng thiết thực, hiệu quả và mang lại nhiều ý nghĩa.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin