Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025).
Theo đó, dự luật được xây dựng theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện).
Đáng chú ý dự luật sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Dự luật đã bỏ một chương về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Nghĩa là, luật không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời quy định cán bộ, công chức thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở nhằm bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Dự luật quy định cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) kể từ ngày luật này có hiệu lực thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.
Ngoài ra, dự luật sửa đổi các quy định liên quan cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Đồng thời, các quy định trong dự luật thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người.
Dự luật bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, “tình trạng công chức suốt đời”…
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin