Kho thực phẩm cộng đồng- Ấm lòng những người nghèo

14:44, 02/04/2025

Qua gần 9 tháng đi vào hoạt động, Kho thực phẩm cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thành lập đã trở thành điểm đến quen thuộc, mang nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho người yếu thế. Đồng thời, hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về chống lãng phí thực phẩm. 

Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến góp thực phẩm cho Kho thực phẩm cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến góp thực phẩm cho Kho thực phẩm cộng đồng.

Nâng cao nhận thức chống lãng phí thực phẩm 

Bà Nguyễn Thụy Yến Phương- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉnh hiện có 2.808 hộ nghèo, 7.105 hộ cận nghèo và 10.579 hộ có mức sống trung bình.


Hội đã kết nối với mạng lưới ngân hàng Thực phẩm Việt Nam và ra mắt Kho thực phẩm cộng đồng tỉnh (Food Bank Vĩnh Long) vào ngày 27/7/2024. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, kho thực phẩm mở ra sẽ là nơi tiếp nhận, và chia sẻ nguồn thực phẩm đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tiếp cận nguồn thực phẩm nhanh chóng, thuận lợi trong những lúc khó khăn cũng như những thời điểm thiên tai, bão lũ xảy ra tại địa phương.

Food Bank Vĩnh Long sẻ chia với người dân có hoàn cảnh khó khăn. 
Food Bank Vĩnh Long sẻ chia với người dân có hoàn cảnh khó khăn. 


Theo bà Nguyễn Thụy Yến Phương, cách trao đổi thực phẩm linh hoạt: không chỉ cho đi mà hội phát triển thêm hình thức trao đổi thực phẩm, đây cũng là cách làm hết sức sáng tạo. Nhiều bếp ăn, CLB thiện nguyện, các nhà tài trợ mang cái họ có đến đổi thực phẩm. Ví dụ đổi bánh, kẹo lấy thịt heo, bánh mì, thịt gà, đáp ứng phong phú nhu cầu thực phẩm của người thụ hưởng.

“Thông qua hoạt động của Kho thực phẩm cộng đồng Vĩnh Long đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng bởi điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực hiện tại còn hạn chế nhưng đã tạo ra một giá trị xã hội lớn. Đó là: chống lãng phí thực phẩm, vì con người và lan tỏa giá trị tốt đẹp”- bà Nguyễn Thụy Yến Phương nói.


Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ huy động được nguồn thực phẩm dư thừa tại cộng đồng, chống lãng phí hàng trăm tấn thực phẩm mỗi năm. Điều này tạo tiền đề cho việc mở rộng thêm nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo tại tỉnh, ước khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tư duy sáng tạo, khả năng huy động nguồn lực của cán bộ hội.


Sẻ chia cùng những người nghèo


Qua gần 9 tháng, Hội Chữ thập đỏ tổ chức trao tặng thực phẩm mỗi ngày thông qua mô hình “Mì ly 0đ”, “Bữa sáng yêu thương”; huy động xã hội hóa thu gom trên 100 tấn thực phẩm, nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, hội tự tổ chức nấu và phát cơm trưa cho người lao động nghèo với 30.000 phần; trao tặng thực phẩm dưới hình thức “túi dinh dưỡng” cho 5.000 lượt người khó khăn, trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động thực phẩm cho các nhiệm vụ, nhu cầu khẩn cấp: cứu trợ, trợ giúp nhân đạo, tiêu biểu là việc huy động nguồn lực cứu trợ cơn bão Yagi vừa qua với trên 55 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại, trị giá gần 700 triệu đồng. 


Đồng cảm với những người lao động, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ đã chung tay xây dựng bếp ăn nhân đạo, nấu những bữa cơm 0 đồng. Mỗi buổi sáng thứ 7, khuôn viên Hội Chữ thập đỏ lại nhộn nhịp hơn thường ngày. Từ sáng sớm, nhiều người từ các em học sinh, sinh viên, các tình nguyện viên, bà nội trợ… luôn tay luôn chân chuẩn bị các suất ăn. Đến 10 giờ trưa, bà con người lao động, người nghèo xếp hàng ngay ngắn nhận những bữa ăn. 

Bếp ăn 0 đồng với sự giúp sức của nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau. 
Bếp ăn 0 đồng với sự giúp sức của nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau. 


Cô Lương Thị Tuyết Mai (Phường 8, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Thứ 7 tuần nào tui cũng tới nhận cơm. Sống neo đơn không có người thân thích, tui làm giúp việc nhà nhưng thu nhập bấp bênh lúc có người gọi, lúc không có việc làm. Những suất cơm như vầy ấm lòng ngày cuối tuần lắm”. 


Em Nguyễn Triết Lãm- sinh viên năm nhất ngành xây dựng- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã đến giúp nấu ăn hơn 6 tháng. “Đầu năm nhập học, khi chạy ngang Hội Chữ thập đỏ thấy nấu cơm từ thiện nên em chạy đến cùng tham gia mỗi tuần. Việc làm ý nghĩa này không chỉ giúp bà con nghèo được ấm lòng mà em tự tích góp cho mình thêm kinh nghiệm sống, khả năng giao tiếp và tập nấu được nhiều món ăn hơn”- Lãm cười tươi chia sẻ. 


Thành viên “nhí” nhỏ tuổi nhất nhưng không vắng mặt buổi sáng thứ 7 nào là em Võ Phước Anh (Lớp 4/1, Trường Tiểu học Phạm Hùng, Phường 9). Phước Anh chia sẻ: “Thấy công việc có ý nghĩa nên ba chở con vô phụ giúp. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, con phụ quét dọn, làm vệ sinh, phát cơm, phát nước… Thấy cô chú có hoàn cảnh khó khăn được ăn ngon miệng là tụi con vui lắm!”. 


Food Bank Vĩnh Long là kho thực phẩm thứ 14 được thành lập với mục tiêu phát triển mạng lưới lên 20 kho thực phẩm cộng đồng trên cả nước. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chú trọng mở rộng tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt… Sự ra đời của mạng lưới ngân hàng thực phẩm cộng đồng địa phương là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau, giúp đảm bảo thực phẩm không bị lãng phí và phát triển văn hóa chia sẻ từ mỗi gia đình, doanh nghiệp, cá nhân.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh