Thực hiện chủ trương của Đảng bỏ cấp hành chính trung gian- cấp huyện, thì việc bỏ phòng giáo dục và đào tạo (gọi tắt là PGD) là một đòi hỏi tất yếu khách quan, giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tăng tính tự chủ của trường học và nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Bài viết được ghi nhận qua trao đổi cùng với một số giáo viên bậc tiểu học, THCS và cán bộ quản lý giáo dục.
![]() |
Bỏ phòng giáo dục- đào tạo giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tăng tính tự chủ của trường học và nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. |
Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Thực tế cho thấy PGD có nhiệm vụ tham mưu và chịu sự chỉ đạo song trùng của UBND cấp huyện và sở GD-ĐT (sở); là cấp trung gian, là cầu nối giữa UBND cấp huyện- sở và các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, vai trò này đến nay khá mờ nhạt “có cũng được, không thì cũng chẳng sao”, thể hiện qua một số vấn đề cụ thể như: việc bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường học, tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các nhà trường hiện nay đều do phòng nội vụ và chủ tịch UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Hay việc công nhận sáng kiến kinh nghiệm, khen thưởng giáo viên, nhân viên ở các trường học cũng do UBND cấp huyện đảm nhận gần hết. PGD chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp việc cho UBND cấp huyện.
Kể cả việc phân bổ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của các cơ sở giáo dục (cấp mầm non, tiểu học, THCS) cũng do phòng tài chính và UBND cấp huyện quyết định hoặc tỉnh đảm nhận.
Còn về công tác chuyên môn, vai trò của PGD ngày càng mờ nhạt dần. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số ứng dụng ngày càng sâu rộng, thì giữa sở và các trường học có một hệ thống liên thông. Sở có thể chỉ đạo trực tiếp đến các trường “chưa đầy 1 phút 30 giây”.
Tuy nhiên, các trường vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của PGD, nhưng khi văn bản được ban hành thì cũng không khác gì mấy so với văn bản chỉ đạo của sở, làm mất thời gian và đôi lúc không bảo đảm kịp thời. Hay có ý kiến cho rằng trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm hiện nay đều do sở tổ chức. Việc thực hiện và nộp hồ sơ đến các trường THPT đều do các trường THCS đảm nhiệm. Vai trò của PGD trong kỳ thi này cũng chưa được xác định rõ ràng, nhưng các trường THCS vẫn phải báo cáo, xin phép PGD.
Hơn thế nữa, quan trọng hơn hết và trên hết là việc bỏ PGD trong bối cảnh xóa bỏ cấp hành chính trung gian còn là một đòi hỏi cấp thiết từ chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã…
Ngoài ra, không còn PGD cũng xuất phát từ đòi hỏi chung của xu thế phát triển của thời đại. Trên thế giới, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, hệ thống quản lý giáo dục thường chỉ có cấp bộ, kế đến là sở và cuối cùng là trường học mà không cần cấp trung gian như PGD. Điều này giúp tinh gọn bộ máy, tăng tính tự chủ và linh hoạt cho các trường học đã được khẳng định.
Mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay và xuất phát từ thực tiễn trên, cho thấy việc kết thúc sứ mệnh của PGD là một đòi hỏi cấp thiết, tất yếu khách quan. Nếu không còn PGD sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Trước hết, là tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm được một lượng lớn biên chế và kinh phí. Nếu không còn PGD, thì cả nước không chỉ giảm được gần 700 đầu mối trung gian với hàng chục ngàn biên chế, mà còn tiết kiệm được một lượng ngân sách đáng kể, có thể đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và nâng cao chất lượng dạy, học.
Kế đến, nếu không còn PGD sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học về quyết định của mình mà không cần qua PGD. Cụ thể: các trường có thể tự chủ hơn về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo theo chỉ đạo của sở; tránh được tình trạng chồng chéo trong quản lý và hệ thống giáo dục sẽ được quản lý thống nhất, minh bạch hơn. Với công nghệ số phát triển như ngày nay, công tác quản lý có thể thực hiện trực tuyến qua phần mềm. Sở có thể chỉ đạo hoặc nhận báo cáo trực tiếp từ các trường một cách nhanh chóng và kịp thời mà không cần qua PGD như trước đây.
Bên cạnh đó, việc không còn PGD sẽ thuận lợi hơn cho việc sáp nhập các cơ sở giáo dục để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS do PGD quản lý, trường THPT do sở quản lý. Điều này gặp nhiều khó khăn trong việc sáp nhập các trường liên cấp. Nếu các trường được giao về một đầu mối do sở quản lý, thì sẽ thuận tiện hơn trong việc sáp nhập trường liên cấp. Ngoài ra, việc sáp nhập các trường còn giúp cho việc điều động, luân chuyển giáo viên từ trường thừa sang thiếu một cách thuận lợi hơn.
Cũng có ý kiến thẳng thắn chia sẻ, không còn PGD chẳng những giảm được một số hội thi cấp huyện không cần thiết, tốn nhiều kinh phí, vất vả cho thầy và trò, mà còn tạo ra sự đồng bộ các cuộc thi từ bậc mầm non đến THPT…
Có thể nói kết thúc sứ mệnh PGD là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị, giảm tầng nấc trung gian.
Ngành giáo dục cũng không thể nằm ngoài cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, PGD đang được chi phối bởi hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, cần quan tâm đến việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phải có lộ trình phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động giáo dục được liên tục, hiệu quả.
Bài, ảnh: HỒNG THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin