Năm 2024, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) của tỉnh có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, bản chất của HTX, càng tin tưởng vào hoạt động, lợi ích của HTX mang lại.
![]() |
Hướng tới liên kết chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế tập thể. |
Chuyển biến về số lượng và chất lượng
Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ Phát triển KTTT các cấp đã tập trung, quyết liệt lãnh chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến chiến lược, chương trình, kế hoạch… để hoàn thành các mục tiêu phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Các sở ngành, địa phương, các đoàn thể đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ cho HTX.
Ông Phạm Minh Thiện- Giám đốc Sở Tài Chính, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Phát triển KTTT tỉnh cho biết, trong năm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, mã số vùng trồng; tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng và quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Theo đó, khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực cả về chất lượng và số lượng.
Ông Nguyễn Quốc Phong- Chủ tịch Liên minh HTX, Phó Trưởng BCĐ Phát triển KTTT tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 14 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX toàn tỉnh là 207 HTX, 3 liên hiệp HTX và 5 quỹ Tín dụng nhân dân. Doanh thu bình quân cả năm của HTX đạt 1,275 tỷ đồng/HTX, tăng 35 triệu đồng; lợi nhuận bình quân đạt 292 triệu đồng/HTX, tăng 2 triệu đồng so cùng kỳ.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 120 HTX được xếp từ loại khá trở lên, chiếm tỷ lệ 78,43% tổng số HTX đủ điều kiện xếp loại, tăng 35,76 điểm % so năm 2021. Đây là kết quả, tín hiệu khá tích cực đối với sự phục hồi và phát triển của khu vực KTTT, HTX. Cho thấy nhiều mô hình HTX hoạt động đã có hiệu quả, qua đó đã giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, bản chất của HTX, càng tin tưởng vào hoạt động, lợi ích của HTX mang lại.
“Tiếp sức” cho các HTX
Theo BCĐ Phát triển KTTT tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: HTX thành lập mới chủ yếu tập trung lĩnh vực nông nghiệp, không có HTX mới thành lập trên các lĩnh vực phi nông nghiệp; số HTX tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng; nhiều HTX nông nghiệp chưa xây dựng và phát triển được các hình thức liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản...
Tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025, nhiều ý kiến, tham luận tập trung phân tích sâu những tồn tại, khó khăn mà khu vực KTTT, HTX đang phải đối mặt. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp, hiến kế cho hoạt động quản lý, hỗ trợ và phát triển khu vực KTTT, HTX thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HTX có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực và khả năng sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa lập được phương án kinh doanh khả thi…Do đó, trong thời gian tới, cần đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh cho các HTX nông nghiệp; tăng cường chức năng HTX kiểu mới.
Ông cũng đề xuất cần hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn để mở rộng quy mô và tăng cường các nguồn lực để tập trung sức mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất- kinh doanh.
![]() |
Tưới mít qua điện thoại ở HTX Thanh Long Hậu Lộc (Tam Bình). |
Ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, cần tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, vận động, hướng dẫn xây dựng và nâng rộng các mô hình chi, tổ, hội nông dân nghề nghiệp, các mô hình KTTT, HTX trong nông nghiệp thông qua việc chủ động và phối hợp xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội nhằm huy động các nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển KTTT lưu ý các thành viên BCĐ phát triển KTTT các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển của khu vực KTTT, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời ghi nhận, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc của các HTX ngay từ cơ sở. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, hỗ trợ các HTX đạt đồng bộ 3 nhóm tiêu chí về tài chính; quản trị, điều hành và năng lực của HTX; và về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng, chuyển giao khoa học công nghệ…
![]() |
Hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, công nghệ về sản xuất, kinh doanh. |
Qua đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý; nâng giá trị sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, chuỗi giá trị; tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ, nhân rộng những HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Riêng các HTX cần thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, nỗ lực tự cải thiện các tiêu chí thuộc về chính mình để phát triển vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và của tỉnh.
Theo BCĐ Phát triển KTTT, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát triển KTTT năng động, hiệu quả gắn với lợi thế lao động, thổ nhưỡng, tài nguyên bản địa; thích ứng linh hoạt với kinh tế thị trường, kinh tế số, biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT gắn với xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành công thương. Bên cạnh, hỗ trợ, phát triển KTTT cả chiều rộng và chiều sâu; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, củng cố, đổi mới HTX cả về tổ chức, quản lý, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình… tham gia, tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin