“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Hàng năm, mùng 10/3 đã trở thành ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt Nam. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng- những người đã lập nên nền móng của đất nước, mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương bắt nguồn từ truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Việt Nam qua công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tưởng nhớ về tổ tông, các Vua Hùng đã khơi mạch nguồn dân tộc, lập nên Nhà nước Văn Lang, dựng cơ nghiệp qua 18 vương triều, đặt nền móng để quốc gia, dân tộc được muôn đời thịnh trị. Đời nối đời trải mấy ngàn năm, vua thương yêu dân, chung sống hòa thuận; cả nước một lòng, toàn dân đoàn kết, trọn nghĩa đồng bào.
Lịch sử hào hùng ấy trở thành nguồn cảm hứng bất tận, giúp người Việt Nam tự hào về quá khứ vẻ vang của dân tộc. Trong ngày này, người dân khắp nơi trên dải đất Việt Nam cùng nhau hướng về cội nguồn. Đặc biệt là tại đền thờ Vua Hùng ở Phú Thọ, để cùng tham gia các hoạt động tưởng nhớ.
Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, với truyền thống đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn, các thế hệ con cháu Lạc Hồng nối tiếp nhau đã trải qua bao cuộc đấu tranh với muôn vàn gian nan, thử thách.
Dù đối mặt với bao khó khăn, thử thách, tinh thần của các Vua Hùng và tổ tiên luôn sống mãi. Hun đúc tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường và lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc; đã lập nên những kỳ tích vẻ vang, xây nền độc lập, gìn giữ non sông, khẳng định chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong ngày này, chúng ta thêm nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhắn nhủ rằng, ngoài việc tiếp thu những giá trị mới từ toàn cầu, người Việt Nam vẫn cần phải trân trọng và bảo vệ những giá trị cốt lõi của dân tộc- từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho đến lòng tự hào về lịch sử hào hùng của các Vua Hùng.
Mỗi người dân, dù ở bất cứ vị trí hay vai trò nào, đều có trách nhiệm chung trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị mà tổ tiên đã dày công vun đắp. Sự phát triển bền vững của đất nước phụ thuộc vào việc duy trì niềm tự hào và lòng biết ơn đối với cội nguồn lịch sử.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang hội nhập và đối mặt với nhiều biến động, lời dặn của Bác Hồ chính là nền tảng để xây dựng một xã hội đoàn kết, hiện đại và đầy tự hào về cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin