Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ I với chủ đề: “Truyền hình và Công nghiệp văn hóa” do Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào ngày 9/4. Dự kiến có hơn 20 bài tham luận được chọn đăng kỷ yếu của diễn đàn và 10 chuyên gia hàng đầu về công nghệ số, truyền hình và công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp các ý kiến trực tiếp tại diễn đàn.
Những đóng góp tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp mang đến nhiều ý tưởng mới mẻ, thực tiễn và có giá trị lâu dài cho ngành truyền hình và công nghiệp văn hóa. Báo Vĩnh Long xin lược ghi một số ý kiến, đề xuất giải pháp góp phần định hướng cho Vĩnh Long trong thời gian tới.
GS Đặng Hoài Bắc- Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh
![]() |
Các báo cáo tổng hợp cho thấy AI tạo sinh đang nhanh chóng thay đổi lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hóa, mang lại những cơ hội to lớn cho sáng tạo nội dung, hiệu quả sản xuất và tương tác với khán giả. So với AI truyền thống, AI tạo sinh có khả năng tạo ra nội dung mới và độc đáo hơn, nhưng cũng đặt ra những thách thức về đạo đức, pháp lý và tác động xã hội. Tiềm năng kinh tế của AI tạo sinh là rất lớn, nhưng cần phải quản lý cẩn thận các rủi ro và đảm bảo rằng lợi ích được chia sẻ một cách công bằng.
Để tiếp cận và ứng dụng AI tạo sinh một cách hiệu quả và có trách nhiệm trong ngành, cần có những hướng đi cụ thể. Các công ty và tổ chức nên tập trung vào việc phát triển các ứng dụng AI tạo sinh mang lại giá trị thực cho người dùng và khán giả, đồng thời chủ động giải quyết các lo ngại về đạo đức và pháp lý.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà phát triển AI, các nhà sáng tạo nội dung và các nhà hoạch định chính sách là rất quan trọng để xây dựng các tiêu chuẩn và quy định phù hợp cho việc sử dụng AI tạo sinh. Bên cạnh đó, các công ty nên đầu tư vào việc đào tạo nhân viên để họ có thể sử dụng AI tạo sinh một cách hiệu quả và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong ngành.
Trong tương lai, cần tập trung nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực tiềm năng. Điều này bao gồm việc tìm ra các phương pháp để đảm bảo tính nguyên bản và quyền tác giả của nội dung do AI tạo ra, phát triển các công cụ để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng AI tạo sinh cho các mục đích tiêu cực như tạo deepfake, và khám phá các cách mà AI tạo sinh có thể hỗ trợ sự đa dạng văn hóa và tiếng nói của các nhóm thiểu số trong xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Việt- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intracom: Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa tại Vĩnh Long- góc nhìn từ Intracom Group
![]() |
Vĩnh Long là cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ- một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Chúng ta có Làng gốm Mang Thít với hơn 100 năm lịch sử, và có hàng trăm di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, những lễ hội văn hóa quanh năm.
Ẩm thực- cầu nối văn hóa ẩm thực Vĩnh Long mang đậm bản sắc miền Tây, dân dã nhưng tinh tế, mộc mạc mà giàu chiều sâu văn hóa. Vĩnh Long có nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào, với hàng trăm nghệ sĩ đờn ca tài tử và hàng ngàn nghệ nhân tại Làng gốm Mang Thít. Đây chính là “vốn quý” để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững, từ việc sản xuất nội dung truyền hình, tổ chức sự kiện, đến sáng tạo các sản phẩm du lịch mới.
Ý tưởng gợi mở từ Intracom Group, đó là:
Thứ nhất, phát triển mô hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Vĩnh Long, với không gian sông nước yên bình, những vườn trái cây trù phú, và không khí trong lành, hoàn toàn có thể phát triển mô hình này. Chúng ta có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Intracom Group sẵn sàng hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm dựa trên kinh nghiệm từ Bệnh viện Phương Đông và Viện Dưỡng lão Phương Đông Asahi.
Thứ hai, quảng bá văn hóa ẩm thực qua truyền hình, học theo cách làm của Hàn Quốc. Bộ phim Nàng Dae Jang Geum của Hàn Quốc đã làm cả thế giới mê mẩn ẩm thực Hàn, từ kim chi đến các món ăn truyền thống. Bộ phim này không chỉ đạt rating cao mà còn giúp Hàn Quốc tăng 30% lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2004, mang về hàng trăm triệu USD. Vĩnh Long có thể làm điều tương tự.
Hãy tưởng tượng một chương trình truyền hình thực tế, nơi các cặp bố con trong “Bố ơi, mình đi đâu thế?” cùng nhau trải nghiệm làm cá lóc nướng trui, khám phá văn hóa địa phương hay một cuộc thi như Top Chef- Đầu bếp Thượng đỉnh để tìm ra đầu bếp giỏi nhất nấu lẩu mắm Vĩnh Long. Những chương trình này giúp du khách khắp nơi biết đến và khao khát khám phá Vĩnh Long, từ đó thúc đẩy du lịch và mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Thứ ba, tạo điều kiện và khuyến khích các startup chuyển đổi số, sáng tạo để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ tạo ra sản phẩm mới mà còn giúp Vĩnh Long tiếp cận thị trường toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành công nghiệp văn hóa. Shark Tank Việt Nam là một nền tảng có thể kết hợp để làm điều này.
Intracom Group không đến chỉ để chia sẻ, mà đến để cùng làm. Chúng tôi rất vinh hạnh nếu được đồng hành cùng Vĩnh Long khai thác tối đa tiềm năng văn hóa, ẩm thực và du lịch, biến chúng thành động lực tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS, Giảng viên cao cấp Cao Minh Trí- Trưởng khoa, Chủ tịch Hội đồng Khoa Quản trị, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh: Thói quen tiêu thụ truyền thông của thế hệ Z trong kỷ nguyên số
![]() |
Thế hệ Z đang ngày càng trở thành lực lượng tiêu thụ truyền thông chủ lực, với những thói quen và nhu cầu về nội dung nhanh chóng, dễ tiếp cận và tương tác.
Truyền thông truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức trong thời đại số. Do đó, để duy trì sự kết nối với đối tượng khán giả này, các cơ quan báo chí và truyền hình cần phải không ngừng thích nghi, đổi mới, chuyển mình từ các phương thức truyền thống sang các mô hình số hóa linh hoạt và phù hợp hơn bằng tối ưu hóa nội dung cho nhiều nền tảng khác nhau.
Việc tối ưu hóa nội dung theo xu hướng video ngắn, gia tăng tính tương tác và cá nhân hóa, đồng thời cải thiện độ chính xác và minh bạch trong thông tin sẽ giúp các nền tảng truyền thông giữ vững lòng tin và thu hút thế hệ Z.
Ngoài ra, trong bối cảnh thông tin sai lệch và tin giả ngày càng phổ biến, các cơ quan truyền thông cũng cần chú trọng hơn đến công tác kiểm chứng và phát triển các chương trình giáo dục nhận thức để nâng cao sự tỉnh táo và khả năng phân biệt thông tin đúng đắn cho người tiêu dùng. Chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu này, các cơ quan báo chí mới có thể duy trì sự ảnh hưởng trong kỷ nguyên số và không bị bỏ lại phía sau.
Thế hệ Z đang thay đổi cách mà truyền thông vận hành trong kỷ nguyên số. Việc thích nghi với xu hướng tiêu thụ nội dung của họ không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để các phương tiện truyền thông truyền thống tiếp tục phát triển và tiếp cận một thế hệ khán giả mới. Nếu không đổi mới, truyền hình và báo chí có nguy cơ bị lãng quên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường nội dung số.
PGS.TS Bùi Chí Trung- Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội: Truyền hình 4.0: Cơ hội- thách thức và ý tưởng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và xã hội số
![]() |
Trong thời đại công nghệ số, khi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet phủ khắp đời sống, truyền hình cũng đã chuyển mình mạnh mẽ. Truyền hình 4.0- với đặc trưng là số hóa nội dung, phát sóng đa nền tảng và khả năng tương tác cao- không còn đơn thuần là công cụ đưa tin, mà đã trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp văn hóa. Qua đó, truyền hình góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa và xã hội hiện đại.
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế dựa trên sáng tạo, bản quyền và nội dung văn hóa. Truyền hình 4.0 là “xương sống” của lĩnh vực này, nhờ khả năng sản xuất nội dung phong phú và phân phối qua nhiều kênh như YouTube, Netflix, TikTok, FPT Play... Truyền hình góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, với các nền tảng phát sóng toàn cầu như Netflix, YouTube, nhiều chương trình truyền hình Việt đã tiếp cận được khán giả quốc tế.
Truyền hình 4.0 không chỉ là sự tiến hóa của một loại hình báo chí truyền thống, mà còn là trung tâm kết nối giữa văn hóa- công nghệ- xã hội. Khi gắn bó chặt chẽ với ngành công nghiệp văn hóa, truyền hình đã và đang góp phần nâng tầm bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế sáng tạo và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Trong tương lai, nếu được đầu tư đúng hướng và khai thác hiệu quả, truyền hình 4.0 sẽ là “cánh tay nối dài” giúp Việt Nam bước nhanh hơn vào nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Truyền hình Vĩnh Long hoàn toàn có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và tạo ra những mô hình đột phá để không chỉ nâng cao chất lượng nội dung mà còn kết nối sâu rộng hơn với khán giả. Bằng cách đổi mới sáng tạo, phát triển các nền tảng công nghệ hiện đại và xây dựng các chương trình mang tính bản sắc văn hóa địa phương, THVL sẽ tạo dựng được nơi đứng vững trong thị trường truyền hình ngày càng cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội bền vững của đất nước.
YẾN - THÚY (lược ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin