Đề xuất cấp huyện chấm dứt hoạt động từ 1/7

08:10, 02/04/2025

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và lấy ý kiến góp ý, trong đó đề xuất chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện từ ngày 1/7/2025. 


Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, ĐVHC kinh tế- đặc biệt. 


Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành nhưng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển; tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay để hình thành các ĐVHC cấp cơ sở (xã, phường và đặc khu ở hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới; ĐVHC kinh tế- đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. 


Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh; cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.


Bộ Nội vụ cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất với Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung), đồng thời thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị theo định hướng của Đảng, tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.


Đáng lưu ý, dự luật cũng đề xuất chấm dứt mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống tổ chức hành chính. 


Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng tháng 5/2025. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình cải cách hành chính, hướng đến tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh