Từ những chiếc bánh quê mộc mạc đến đặc sản OCOP trứ danh, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp Hội chợ Xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Vĩnh Long năm 2025 không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực vùng miền, mà còn là nhịp cầu kết nối sản phẩm địa phương với thị trường.
Với hơn 450 gian hàng của 300 đơn vị đến từ nhiều tỉnh, thành, không gian hội chợ trở nên sống động, nhộn nhịp giữa lòng thành phố, mang đến trải nghiệm văn hóa- ẩm thực đặc sắc, đậm chất Nam Bộ.
![]() |
||
Ngày hội góp phần quảng bá hình ảnh về các loại bánh truyền thống.
|
Thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực
Ngày hội diễn ra tại đường Võ Văn Kiệt (Phường 9, TP Vĩnh Long), gồm các gian triển lãm của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cùng sự góp mặt của doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là khu ẩm thực- bánh dân gian với hơn 100 gian hàng của 65 đơn vị, giới thiệu hàng trăm món bánh dân gian mang hương vị đặc trưng của từng vùng, miền.
Trong đêm khai mạc, nhiều gian hàng bánh xèo, bánh tét, bánh đúc, bánh tằm, bánh hỏi, bánh cống, bánh da lợn... thu hút hàng trăm du khách đến tham quan, thưởng thức. Mỗi loại bánh là một câu chuyện, một kỹ nghệ riêng, được thể hiện qua sự khéo léo, tỉ mẩn của đôi tay người nghệ nhân.
Không chỉ được thưởng thức hương vị dân dã, khách tham quan còn có dịp trực tiếp quan sát các nghệ nhân chế biến, gói, hấp bánh ngay tại chỗ- từ tiếng nếp reo trong xửng, mùi thơm của lá dứa đến sắc màu tươi tắn của từng lớp bánh, tất cả hòa quyện tạo nên không gian đậm đà hương sắc quê nhà. Tại gian hàng của nghệ nhân Kim Thủy, không khí càng thêm thi vị khi bà vừa đọc thơ, vừa giới thiệu đa dạng các loại bánh như bánh đậu, bánh tét mini, bánh xèo…
Trong khi đó, gian hàng “Tò he quê nhà” của chị Phương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lại gây ấn tượng với những món đồ chơi truyền thống được nặn từ bột gạo- sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. “Tôi theo nghề làm tò he khoảng 3 năm nay. Đây không chỉ là trò chơi dân gian ngộ nghĩnh cho trẻ nhỏ mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống. Nhiều phụ huynh ghé gian hàng vừa mua sắm, vừa cho các bé trải nghiệm các công đoạn nặn tò he bằng bột gạo, rất an toàn cho trẻ”- chị Phương chia sẻ.
![]() |
Khách tham quan còn có dịp trực tiếp quan sát các nghệ nhân chế biến, gói, hấp bánh ngay tại chỗ. |
![]() |
Hơn 10 năm làm và bán bánh dân gian, anh Lê Hồng Kiệt (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia ngày hội bánh dân gian tại Vĩnh Long. Dịp này tôi đã đem hơn 30 loại bánh do gia đình làm để sang Vĩnh Long giới thiệu đến thực khách. Tuy mới ngày đầu nhưng được khách hàng ủng hộ rất nhiều. Tôi mong muốn quảng bá, làm sống lại dòng bánh dân gian mộc mạc, dân dã mà vừa ngon vừa lành này”.
Và mua sắm đặc sản
Đang chọn mua sản phẩm làm quà tặng, chị Thu Lan- khách tham quan (Phường 1, TP Vĩnh Long), thích thú chia sẻ: “Tôi rất thích không khí tại hội chợ vì được thưởng thức món bánh truyền thống thơm ngon, vừa có thể mua các sản phẩm đặc sản để làm quà tặng người thân, người bán vui vẻ giới thiệu thông tin sản phẩm”.
![]() |
Song song với ẩm thực truyền thống, khu trưng bày sản phẩm OCOP cũng là điểm nhấn nổi bật của ngày hội với 60 gian hàng rực rỡ sắc màu. Các sản phẩm được sắp đặt gọn gàng, đẹp mắt, từ các loại trà, bánh ngọt, mật ong, trái cây sấy, đến các loại mứt, nước giải khát, gia vị… đều mang nhãn hiệu OCOP đến từ các chủ thể trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP hoặc đang hoàn thiện hồ sơ được hỗ trợ giảm 50% chi phí tham gia hội chợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt, cho rằng: Bánh dân gian Nam Bộ là kết tinh từ môi trường tự nhiên, sản vật địa phương và bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng sông nước, vừa mang giá trị dinh dưỡng, vừa giàu tính văn hóa, thẩm mỹ. Ngày hội là dịp để du khách trải nghiệm tinh hoa ẩm thực vùng miền, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bánh dân gian, đồng thời mở rộng kết nối thị trường, quảng bá bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch của Vĩnh Long.
Vĩnh Long là địa phương có thế mạnh nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực như bưởi năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, sầu riêng ri 6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân… Tỉnh hiện có 230 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt 5 sao, 79 sản phẩm 4 sao, 149 sản phẩm 3 sao); 183 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở cấp tỉnh, khu vực và quốc gia. Góp phần khẳng định chất lượng và thương hiệu địa phương trên thị trường.
![]() |
Nhiều đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của các địa phương được giới thiệu tại hội chợ. |
“Vì vậy, bên cạnh các hoạt động văn hóa, ẩm thực, hội chợ còn thể hiện vai trò là nhịp cầu kết nối tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh, thành ĐBSCL và cả nước, để giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội; giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của các địa phương; là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị quảng bá hình ảnh các sản phẩm đến người tiêu dùng. Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm của các địa phương trên thị trường trong nước và ngoài nước”- ông Nguyễn Văn Liệt nhấn mạnh.Ngày hội góp phần quảng bá hình ảnh về các loại bánh truyền thống.
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin