Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu tập trung xây dựng thể chế liên quan nhiệm vụ tổ chức chính quyền địa phương mới gắn với tinh thần Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nội dung này được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp chuyên đề về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ sáng 4/4.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì cuộc họp chuyên đề về chuyển đổi số (Ảnh: BNV). |
Công chức Bộ Nội vụ phải thành thạo AI
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được của Bộ trong công tác chuyển đổi số.
Trước hết, Bộ Nội vụ đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, phục vụ cho chuyển đổi số, cải cách hành chính, thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 57 như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Lưu trữ. Đây là những luật mới, đáp ứng kịp thời việc chuyển đổi số và xây dựng dữ liệu quốc gia nói chung.
Theo Bộ trưởng, bước đầu Bộ Nội vụ đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng, cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, người có công, việc làm, lĩnh vực chuyên ngành...
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đánh giá sự nỗ lực trong việc xây dựng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bộ Nội vụ là một trong những bộ, ngành quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã quan tâm đầu tư hạ tầng, quản lý hệ thống thông tin để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Chốt lại, trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ nhận định tích cực về sự chủ động trong ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, thể hiện qua việc nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ về chuyển đổi số được nâng lên.
Bên cạnh những điểm tích cực, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số điểm hạn chế như một bộ phận công chức chưa đáp ứng được mục tiêu, chưa thể hiện tinh thần quyết liệt, đột phá trong quá trình chuyển đổi số...
Từ thực tiễn trên, Bộ trưởng xác định rõ các mục tiêu để tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.
Mục tiêu đầu tiên Bộ trưởng đề cập là mỗi cán bộ, công chức phải nhận thức đúng, có kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu về cuộc cách mạng này.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ trưởng chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng chương trình đào tạo nội bộ hướng đến trọng tâm là vấn đề chuyển đổi số.
"Mỗi tháng, Bộ Nội vụ đều tổ chức các buổi học, tập huấn về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho công chức vào thứ 7. Những ngày trong tuần cán bộ, công chức tập trung thực hiện công tác chuyên môn", Bộ trưởng quán triệt.
Mục tiêu tiếp theo Bộ trưởng nhấn mạnh là quyết tâm hoàn thành tốt 10 nhiệm vụ của Chính phủ giao trong năm 2025. Cùng với đó, Bộ cần bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đảm bảo kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, với trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời hoàn thành một số cơ sở dữ liệu chuyên môn.
Bộ trưởng nêu mục tiêu 100% công chức, viên chức, người lao động thành thạo việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc. Cơ chế chung, đội ngũ lãnh đạo sẽ đặt hàng, trả phí sử dụng AI với nhận định đây là nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú phục vụ công tác.
Mục tiêu sau chốt, người đứng đầu ngành Nội vụ đề ra là đưa Trung tâm điều hành thông minh của Bộ (IOC) đi vào vận hành chính thống dịp 2/9 năm nay, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.
Dữ liệu công chức viên chức, lao động - việc làm phải "đúng, đủ, sạch, sống"
Với những mục tiêu cụ thể đề ra về chuyển đổi số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu theo Bộ trưởng, là việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nội vụ, trong đó Bộ trưởng giữ vai trò Trưởng ban, các Thứ trưởng giữ vai trò là Phó trưởng ban và trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ là thành viên Ban chỉ đạo. Bộ Nội vụ cũng tổ chức, vận hành tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo thực hiện việc phân công nhiệm vụ đến từng cá nhân nhằm đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: BNV). |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện tốt hệ thống thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, thực hiện Nghị quyết 57 đề ra với toàn bộ hệ thống chính trị.
Trong đó, Bộ trưởng lưu ý rà soát danh mục hệ thống nghị định, nghị quyết thực hiện 3 nhiệm vụ: Triệt để phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, dự kiến bắt đầu từ 1/7; Nghị định liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia để có công cụ quản lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát, đề xuất hoàn thiện dữ liệu chuyên ngành, ưu tiên 3 trường dữ liệu đảm bảo chính xác, đầy đủ, toàn diện đáp ứng yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống" trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Đó là dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức, dữ liệu về lao động - việc làm…
Bên cạnh việc hoàn thành căn bản về tất cả các thủ tục hành chính của Bộ Nội vụ và các đơn vị thực hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng còn yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số.
Sau cùng, về nguồn nhân lực, người đứng đầu của Bộ Nội vụ giao lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin đánh giá lại toàn bộ đội ngũ công chức chuyên về công nghệ thông tin của Bộ để góp phần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số.
Theo Hoa Lê và Hằng Nguyễn/Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin