Chiêu lừa tinh vi của kẻ giả danh cán bộ nhà nước

13:46, 10/04/2025

Trong những năm gần đây, tình trạng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội với thủ đoạn giả danh cán bộ nhà nước ngày càng gia tăng, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh “tiền mất, tức mang” bởi sự nhẹ dạ cả tin trước những thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo. Câu chuyện dưới đây là bài học cảnh giác dành cho mọi người, đặc biệt là lớn tuổi hoặc không rành về công nghệ.


Bà M. (65 tuổi) là một viên chức về hưu, hàng ngày sống cùng chồng và mấy đứa cháu. Niềm vui hàng ngày của bà là chăm sóc gia đình, cây cảnh, thỉnh thoảng dạy kèm cho mấy đứa trẻ trong xóm. Một buổi sáng, khi đang chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, bà nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ.
Đầu dây bên kia là giọng nói một người đàn ông tỏ vẻ dứt khoát:


- “Xin chào bà M.. Tôi là Trung tá…, hiện công tác tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Chúng tôi đang điều tra một vụ án lớn có liên quan đến đường dây rửa tiền và phát hiện số tài khoản mang tên bà có dấu hiệu bất thường”.


Bà M. bất ngờ và tỏ ra lo lắng:
- “Tài khoản của tôi? Tôi chỉ có một tài khoản nhận lương hưu hàng tháng chứ có kinh doanh gì đâu. Sao lại liên quan đến rửa tiền, chú có lộn số không?”.
Người đàn ông tiếp tục, giọng nói càng lúc càng nghiêm trọng:


- “Bà có thể không biết, nhưng rất có thể thông tin cá nhân của bà đã bị kẻ xấu đánh cắp để phục vụ cho việc rửa tiền. Hiện tại, chúng tôi đã phong tỏa một phần tài khoản của bà và đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, để chứng minh bà không liên quan, bà cần hợp tác với chúng tôi”.


Sau một hồi trao đổi, “trung tá” nói sẽ chuyển máy cho một “kiểm sát viên” để tiếp tục làm việc. Ngay lập tức là giọng một người đàn ông giới thiệu là đại diện “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”, khẳng định đây là chuyên án đặc biệt và yêu cầu bà M. trước khi bắt đầu làm việc phải “bảo mật tuyệt đối” mọi trao đổi. Người này nói rằng nếu bà tiết lộ vụ việc cho bất kỳ ai, kể cả người thân sẽ bị xem là cản trở điều tra và có thể bị xử lý hình sự.

Lúc này, bà M. đã rơi vào tâm lý hoang mang, sợ hãi. Người “kiểm sát viên” tiếp tục yêu cầu bà cung cấp số tài khoản, mã OTP để “xác minh”, đồng thời hướng dẫn bà chuyển toàn bộ số tiền hiện có sang một “tài khoản tạm thời của Bộ Công an” để đảm bảo an toàn.

Ban đầu còn do dự, nhưng trước những “đòn tâm lý” liên tục của “cán bộ điều tra” cùng với các “giấy triệu tập điện tử” gửi qua Zalo có luôn mộc đỏ và chữ ký, bà M. bị thao túng tâm lý hoàn toàn và bắt đầu làm theo trong trạng thái vô cùng lo sợ.

Liên tiếp những ngày sau đó, bà M. chuyển toàn bộ số tiền tích góp nhiều năm liền sang tài khoản kẻ lừa đảo. Sau khi chuyển xong, phía “cán bộ” hứa sẽ gửi lại biên lai xác nhận và cam kết trả lại tiền sau 7 ngày nếu không có chứng cứ buộc tội. Nhưng thời gian cứ thế trôi qua, bà M. không nhận được quyền lợi gì, số điện thoại “cán bộ” không liên lạc được còn Zalo cũng bị chặn.

Biết mình bị lừa, bà M. gần như ngã quỵ. Bà đến cơ quan công an địa phương trình báo nhưng việc truy vết số tiền đã chuyển đi là vô cùng khó khăn vì đối tượng dùng tài khoản “rác”, thông tin giả và đã rút hết tiền ngay sau khi nhận được.


Câu chuyện của bà M. là một hồi chuông cảnh tỉnh. Những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi, nắm rõ tâm lý con người và lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng thường dùng những số điện thoại có đầu số lạ, tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án gửi hình ảnh giấy triệu tập giả, ép nạn nhân phải giữ im lặng và làm theo hướng dẫn.

Lừa đảo giả danh cán bộ nhà nước không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là sự tàn nhẫn đối với niềm tin và cuộc sống của những người lương thiện. Mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức và sự tỉnh táo để bảo vệ bản thân và người thân trước những chiêu trò ngày càng xảo quyệt của tội phạm công nghệ cao.

TRUNG HƯNG
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh