Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

08:00, 03/04/2025
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2025, Vĩnh Long chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức đúng quy định, phù hợp thực tiễn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Song song đó, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin để cải tiến phương thức, lề lối làm việc và nâng cao năng lực điều hành, quản lý.


Nâng chỉ số hài lòng của người dân


Theo Sở Nội vụ, năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt những kết quả tích cực. Trong năm, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 65 văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi khi áp dụng. Toàn tỉnh hiện có 1.729 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó cấp tỉnh là 1.400 TTHC.

“Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC thông qua nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Ngoài ra, phong trào thi đua nâng cao hiệu quả CCHC và triển khai thực hiện quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, đã góp phần giúp cho công tác CCHC của tỉnh nói chung và của các cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng dần đi sâu vào chất lượng, hiệu quả”- ông Hồ Văn Kiên- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết thêm.


Tổ chức bộ máy được sắp xếp đúng chủ trương, định hướng, đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Kết quả, qua sắp xếp, Vĩnh Long giảm 5/18 sở, ban, ngành tỉnh và giảm 78/143 phòng và tương đương thuộc sở. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ngày càng được nâng cao về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng các kỹ năng để phục vụ cho công việc ngày một tốt hơn.

Nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC được thí điểm, nhân rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. 


Song song đó, tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành trong các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc. Trong năm, kết quả giải quyết và trả hồ sơ đúng hạn, trước hạn đạt 99,48%.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2024 đều được cải thiện tăng so với năm 2023. Cụ thể, giá trị trung bình Chỉ số CCHC đạt 85,89% (tăng 0,48%); giá trị trung bình Chỉ số hài lòng đạt 86,63%, (tăng 6,49%).


Nổi bật, đã có những thành tích tiêu biểu 3 năm liền đứng tốp đầu về xếp hạng chỉ số CCHC của UBND cấp huyện. UBND TP Vĩnh Long luôn nỗ lực để công tác CCHC của thành phố ngày càng được giữ vững, tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, cán bộ, công chức luôn thấu hiểu, tận tụy, trung thành phục vụ Nhân dân, thực hiện tốt yêu cầu “4 xin”- Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; và “4 luôn”- Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Anh Võ Quốc Hưng (Phường 1, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Trước đây, khi làm các TTHC thì có lúc phải đi đến nhiều cơ quan để làm nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Nay thì được hỗ trợ giải quyết nhanh gọn hơn nhiều, dân khỏe hơn hẳn”.

Chú trọng cải cách hành chính, tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công.
Chú trọng cải cách hành chính, tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công.


Tạo đột phá trong cải cách hành chính


Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực CCHC vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Chia sẻ về giải pháp khắc phục, cải thiện khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế và cải cách tài chính công tại đơn vị, bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác cải cách thể chế và cải cách tài chính công của sở; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính tại các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, nhất là việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đúng quy định. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện và quản lý tài chính, tài sản công tại đơn vị…”.


Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, giảm bớt giấy tờ, quy trình, thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực có nhiều bức xúc, gây tắc nghẽn trong quản lý và các hoạt động liên quan đến người dân, doanh nghiệp, gắn với công bố, công khai, minh bạch các TTHC và cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tình hình giải quyết TTHC.


Song song đó, rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để giảm biên chế đảm bảo phù hợp với biên chế được giao và tình hình của tỉnh; tiếp tục triển khai nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đảm bảo đúng thời gian quy định, nhất là việc xử lý dứt điểm hồ sơ giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Các cấp, ngành, địa phương thường xuyên rà soát TTHC thuộc phạm vi quản lý và đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng giúp cá nhân, doanh nghiệp thực hiện dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đảm bảo đạt 100% theo quy định…

Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.


Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; quan tâm kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phạm vi quản lý, để có giải pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời. Các cấp, ngành, địa phương chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức làm việc; có giải pháp hiệu quả để nâng cao tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn trình; tỷ lệ thanh toán trực tuyến.

Bài, ảnh: AN CHI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh