(VLO) Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, ngày 13/1/2025, đồng chí nhấn mạnh: “Những cải cách về chính sách giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật, quản lý… đang mang lại những thay đổi to lớn về chất lượng sống của con người. Và đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội, để trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”.
![]() |
Người dùng smartphone tương tác sẽ hiểu được ý nghĩa của bảo vật. |
“Nhiều miền hoang vu” mà Tổng Bí thư nói chính là khoảng trời rộng lớn cho đổi mới sáng tạo. Và cô gái ở quê hương Vĩnh Long- Hồ Phương Thảo đã có cách tiếp cận mới trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản và ứng dụng công nghệ tiên phong, góp phần quảng bá văn hóa và di sản Việt Nam theo hướng sáng tạo và bền vững.
Khởi đầu trào lưu board game
Hồ Phương Thảo sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính- Marketing với tấm bằng Quản trị kinh doanh loại giỏi, Thảo quyết bám trụ lại TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp.
Từng trải qua nhiều công việc khác nhau như: nhân viên kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng, tổng đài viên, biên kịch... Năm 2015, ở tuổi 23, Thảo quyết định từ bỏ công việc trong lĩnh vực trò chơi trên điện thoại ở một công ty lớn với mức thu nhập khoảng 15 triệu/tháng để bắt đầu khởi nghiệp.
Từ năm 2013, board game là hình thức giải trí mới của giới trẻ, những người bạn có thể tụ tập với nhau cùng tham gia một trò chơi.
Khi sinh hoạt nhóm ở trường ĐH, Thảo được mọi người rủ chơi trò “Ma sói” và từ đó bắt đầu tham gia vào cộng đồng “Board Game Việt”, sản xuất và phân phối những board game do chính người Việt tạo ra.
![]() |
Công nghệ số giúp mọi người dễ dàng tiếp cận những di sản của dân tộc. |
Với ý tưởng độc đáo từ board game, dự án của Thảo đoạt giải nhì Cuộc thi “Khởi nghiệp thành công cùng Intel năm 2015” và lọt vào Bán kết Cuộc thi “Startup Wheel 2016”.
Thời điểm ấy, Thảo kể: “Có lúc cả tuần phải làm việc đến 20 giờ/ngày mà vẫn không hết việc”. Qua nhiều khó khăn, công ty “Board Game Việt” đã dần khẳng định được chỗ đứng. Ngoài cửa hàng chính ở TP Hồ Chí Minh, Thảo có đại lý ở 10 thành phố lớn trên khắp cả nước, với doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Sau đó, Hồ Phương Thảo mày mò thử sức với một vài trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam, được kết hợp giữa thẻ bài giấy và ứng dụng trên điện thoại.
Với mong muốn mang những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, Thảo cùng nhóm cộng sự đến “gõ cửa nhà” nhà nghiên cứu Nhật Chiêu để học hỏi về Tarot Kiều.
Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, bài Tarot có thể được xem là kinh dịch của phương Tây, là một hệ thống hình ảnh mang tính tượng trưng, ban đầu là một trò chơi, sau đó được sử dụng như công cụ bói toán để khám phá, suy tư về cuộc đời, thế giới tâm hồn của con người.
Dùng Truyện Kiều để tạo ra Tarot Kiều rất phù hợp vì nó là một tác phẩm tương đối ngắn gọn nhưng có tính khái quát sâu rộng cao về nhân sinh, về tư tưởng, tình cảm,… mà những tác phẩm khác còn nhiều hạn chế.
Nhóm cho ra đời Tarot Kiều độc đáo- kết hợp văn hóa dân gian phương Tây và văn hóa Việt Nam. Đến năm 2021, Tarot Kiều là bộ Tarot đầu tiên có nội dung của tác phẩm văn học Việt Nam được hơn 10 quốc gia đón nhận như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Ba Lan…
Đồng hành cùng đơn vị Comicola, Hồ Phương Thảo tham gia dự án artbook song ngữ Việt- Anh: “Gánh hát lưu diễn muôn phương” giới thiệu 30 nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu ở mọi miền đất nước và 6 lễ hội dân gian; sách “Dệt nên triều đại” tái hiện sinh động những bộ trang phục từ hàng trăm năm trước, tưởng chỉ có thể nhìn thấy qua tranh ảnh hoặc tại bảo tàng.
Và sắp tới, nhóm sẽ cho ra mắt quyển “Mình đồng da sắt” khái lược cơ bản về giáp trụ Việt Nam qua các thời kỳ phong kiến. Hồ Phương Thảo chia sẻ: “Mỗi một dự án như là một lần trở về nhà, mang món quà gửi tới những người yêu thích tìm hiểu văn hóa và lịch sử dân tộc”.
Dùng công nghệ nâng tầm di sản văn hóa
Năm 2024, Hồ Phương Thảo phụ trách Quản lý Dự án “Đế Đô khảo cổ ký”- dự án đồ chơi sưu tầm kết hợp giữa di sản văn hóa Cố đô Huế, xu hướng “hộp mù” (blind box art toy) và giải pháp công nghệ định danh Nomion với chip NFC (Near Field Communication) tiên phong trong lĩnh vực vật lý số.
“Khi đến các khu di tích, chúng tôi nhận thấy, mặc dù đã có nhiều sự đầu tư về không gian, kiến trúc, nhưng tại các địa điểm này, chưa có nhiều món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách, đặc biệt cho những khách tham quan trẻ ở độ tuổi Gen Z.
Khi tiếp xúc với những du khách từ phương xa, họ đều chia sẻ về sự tiếc nuối khi không có nhiều lựa chọn mua quà lưu niệm.
Chúng tôi tin rằng, sẽ có cách để làm ra một sản phẩm quà lưu niệm mang đậm nét văn hóa, lịch sử dân tộc, phù hợp với các khu di tích, các khu bảo tàng, mà vẫn rất “thời thượng” tạo cảm hứng cho các khách hàng trẻ”- Thảo chia sẻ.
Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, với sự đồng hành của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhóm lên kế hoạch để sản xuất Dự án “Đế Đô khảo cổ ký”, lựa chọn 4 bảo vật có tính hình tượng cao, mang trong mình câu chuyện về một thời kỳ lịch sử dân tộc bao gồm: Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ, Khẩu Hạ (một trong 9 khẩu Cửu Vị Thần Công), Cao Đỉnh (đỉnh đầu tiên trong Cửu Đỉnh) và Ngai vàng triều Nguyễn.
![]() |
Từ khối thạch cao giả lập, người tham gia tự tay khai phá các bảo vật. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Hồ Phương Thảo cho biết: “Nhóm dự án hy vọng sản phẩm không chỉ dừng lại ở một món đồ chơi sưu tầm, mà còn là một công cụ kể chuyện hướng tới khán giả trẻ tuổi, giúp họ có thêm tình yêu với lịch sử dân tộc”.
Tại phủ Nội vụ thuộc Đại nội Huế, nhiều bạn trẻ không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi được chính tay khảo cổ một trong nhiều bảo vật quốc gia phiên bản thu nhỏ tại Cố đô Huế.
Từ khối thạch cao giả lập, người tham gia tự tay khai phá các bảo vật, vỡ òa cảm xúc khi khui hộp mù và tìm hiểu những câu chuyện văn hóa, lịch sử đằng sau bảo vật đó.
Điều đặc biệt nhất là ở “Đế Đô khảo cổ ký” là mỗi món đồ chơi được gắn một con chip định danh Nomion để trở nên độc nhất, được xác thực bản quyền. Đồng thời, người sở hữu khi dùng smartphone tương tác vào sẽ xuất hiện thông tin xác nhận mình là chủ, quá trình làm ra bảo vật, bên cạnh đó sẽ hiểu được ý nghĩa lịch sử, văn hóa của bảo vật thông qua các hình ảnh 3D sống động, các câu chuyện lịch sử thể hiện bằng các hình thức đa phương tiện.
Ông Hoàng Việt Trung- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhấn mạnh, Dự án “Đế Đô khảo cổ ký” là minh chứng rõ ràng và hiệu quả nhất về mối liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong việc phát triển kinh tế số, công nghiệp văn hóa có thể tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội.
Dự án đã thành công trong việc kết nối các nhà sáng tạo, các chuyên gia lịch sử, các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ mới và cộng đồng để cùng nhau tạo ra một sản phẩm công nghiệp văn hóa chất lượng cao, hiện đại.
Hồ Phương Thảo bộc bạch, nhóm có tham vọng được làm thêm nhiều chuỗi sản phẩm khảo cổ ký khác, dành cho nhiều khu di tích, bảo tàng trong nước, với mong muốn tạo ra những trải nghiệm ấn tượng, chưa từng có, tạo động lực để những người trẻ dành thời gian tham quan bảo tàng, các khu di tích rồi mang theo bên mình những câu chuyện lịch sử đầy thú vị và hào hùng của dân tộc.
Khi nói về việc xây dựng một bảo tàng trong tương lai, TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) từng chia sẻ rằng: “Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phục dựng lại được câu chuyện, để thấy mỗi vật có một tâm hồn, có một cuộc đời chứ không phải hiện vật trưng trong lồng kính”.
Cách tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hóa chính là cho chúng một đời sống trong xã hội hiện đại. Hơn cả một trò chơi, những nỗ lực và tình yêu văn hóa của Hồ Phương Thảo tạo nên những sản phẩm có thể chạm đến cảm xúc của tất cả mọi người, kết nối những người yêu văn hóa và di sản dân tộc.
(CÒN TIẾP)
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin