Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong tuần lễ từ ngày 28/2-6/3, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) về hạ lưu dao độ trong khoảng từ 1.212-1.894 m3/s, là tuần tiếp tục xả nước cao từ ngày 21/2 đến nay.
Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết là 16,6 tỷ m3, tương đương với 69,8% tổng dung tích hữu ích. Các hồ chứa thuộc hạ lưu vực sông Mekong có 61% tổng dung tích hữu ích.
Tổng dung tích nước có thể điều tiết vào mùa kiệt năm 2024-2025 trên lưu vực sông Mekong hiện tại vào khoảng 42,03 tỷ m3.
Bên cạnh, ở vùng ĐBSCL có mưa rải rác, làm nhu cầu nước bớt căng thẳng, mặn trên các sông, rạch trong vùng thấp hơn dự báo, đặc biệt là phía sông Cái Lớn. Mặn có hàm lượng 4‰ vào sâu nhất trên nhánh sông Hàm Luông là 60km, trên nhánh sông Cổ Chiên và sông Hậu từ 46-47km.
Tích nước của các thủy điện trên lưu vực Mekong hiện cao hơn cùng kỳ ở các năm trước. Đợt xả nước tăng cường từ ngày 21/2 đến nay có tác động tích cực làm giảm xâm nhập mặn ở giai đoạn nửa cuối tháng 3. Nếu việc xả nước cao tiếp tục duy trì đến hết tháng 3 kết hợp với dự báo có mưa trái mùa ở tháng 4 và mưa đến sớm ở tháng 5 sẽ góp phần đáng kể cải thiện tình trạng xâm nhập mặn năm nay.
Dự báo, trong tuần từ ngày 7-13/3, độ mặn có xu thế giảm và ổn định, chiều sâu ranh giới mặn 4‰ thấp nhất trên các cửa sông Cửu Long từ 40-45km, ngoại trừ nhánh sông Hàm Luông khoảng 50-53km. Lưu lượng dòng chảy tại trạm Kratie (Campuchia) trong tháng 3 vào khoảng 3.154 m3/s (cao hơn cùng thời kỳ mùa khô 2023-2024 là 361 m3/s) và trong tháng 4 vào khoảng 3.194 m3/s (cao hơn cùng thời kỳ mùa khô 2023-2024 là 164 m3/s).
Các địa phương trong vùng ĐBSCL cần theo dõi, chủ động tăng cường các biện pháp trữ nước khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho sản xuất.
TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin