Linh hoạt, chủ động ứng phó mặn xâm nhập

15:04, 07/03/2025

Nằm giữa sông Cổ Chiên, cù lao Dài (huyện Vũng Liêm) là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của huyện khi nước mặn xâm nhập (XNM). Thời gian qua, chính quyền địa phương 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện đã linh hoạt, chủ động nhiều biện pháp ứng phó để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.
 

Người dân cù lao chủ động các biện pháp để ứng phó xâm nhập mặn.
Người dân cù lao chủ động các biện pháp để ứng phó xâm nhập mặn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tình trạng hạn hán, XNM vào mùa khô hàng năm và trực tiếp là mùa khô 2025 này sẽ gay gắt và còn kéo dài cho tới tháng 5. Mặc dù nhiều địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó cũng như đã có những công trình ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả nhưng cũng không thể chủ quan, nếu nguồn nước ngọt từ thượng nguồn có sự thiếu hụt nhiều kết hợp với kỳ triều thì XNM cao sẽ vào tới những khu vực trước đây chỉ ảnh hưởng rất nhẹ gây ra thiệt hại lớn, bất ngờ.


Tại huyện Vũng Liêm, những ngày qua, người dân và chính quyền địa phương ở cù lao Dài đã tập trung các biện pháp ứng phó XNM. Theo đó, khi có thông báo của xã về nồng độ mặn xâm nhập thì người dân đã đóng tất cả cống, bộng ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, thực hiện tưới nước tiết kiệm, chủ động đo độ mặn trước khi tưới nhằm bảo vệ cây trồng. 


Áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng, chú Huỳnh Văn Út (ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện) cho biết: “Trước thời điểm bước vào giai đoạn mặn lên cao điểm, tôi đã được ngành chuyên môn khuyến cáo như cắt cành, tỉa nhánh để cây thông thoáng, tiết kiệm được lượng nước tưới. Tôi còn mua thiết bị đo độ mặn để đo trước khi tưới. Tôi lắp thêm hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tại vườn để tưới giữ ẩm và thấy rất hiệu quả. Hiện vườn sầu riêng của tôi chưa ghi nhận thiệt hại”.


Để hạn chế sầu riêng mất sức trong thời điểm nắng nóng, XNM, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã Quới Thiện) cũng đã lảy bông muộn cho vườn sầu riêng. Bên cạnh đó, chị Nga sớm mua bạt để trữ nước tưới cho cây, vừa đảm bảo cây tưới không bị nhiễm mặn lại có thể chủ động thời gian tưới cho cây. Khi tưới xong thì đợi độ mặn hạ xuống ngưỡng cho phép thì bơm vào trữ tiếp. 


Còn tại xã Thanh Bình, trong thời điểm độ mặn lên cao, có thời điểm gần 6‰, xã đã thông báo đóng các cống hở lớn tạo vùng an toàn bên ngoài ngăn không cho nước mặn xâm nhiễm sâu vào bên trong. Phía trong, xã đóng tất cả các cống, bộng ngăn nước mặn xâm nhập vào mương vườn cây ăn trái, đồng thời trữ nước ngọt với nhiều hình thức. Địa phương cũng đã chỉ đạo trạm cấp nước tập trung tăng công suất và lấy nước vào thời điểm thích hợp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Nhờ đó, đến nay khoảng 500ha sầu riêng của xã được bảo vệ tốt, hơn 3.250 hộ dân được đảm bảo nguồn nước sinh hoạt.


Chú Phạm Văn Ba (ấp Lăng, xã Thanh Bình) cho hay: “Khi hay thông tin mặn đang xâm nhập sâu, ngày nào tôi cũng ra sông để kiểm tra độ mặn, rồi mới lấy nước vào mương vườn. Cuối tháng 2 vừa rồi mặn lên cao nhưng nhờ cống, bộng được đóng hết nên tôi không lo. Đồng thời, vẫn có nước máy sử dụng bình thường. Khi mặn giảm xuống mức cho phép là tôi mở bộng để lấy nước ngọt vào trữ, chuẩn bị nước tưới cho đợt XNM tiếp theo”. 


Dù độ mặn liên tục tăng cao trong các tháng đầu năm 2025 nhưng nhờ người dân và chính quyền địa phương chủ động, nên tại cù lao Dài chưa ghi nhận trường hợp bị ảnh hưởng do XNM. Ông Ngô Minh Tấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho hay: Trong thời điểm hạn mặn, nhà máy nước hoạt động bình thường, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Để kịp thời thông báo cho người dân về thông tin hạn mặn, xã cũng đã tiến hành đo độ mặn tại 3 điểm và thông báo thường xuyên đến bà con 2 lần/ngày trên mạng xã hội để người dân theo dõi. Bên cạnh đó, người dân cũng nâng cao ý thức, chủ động trang bị mỗi hộ 1 máy đo độ mặn riêng để kịp thời theo dõi độ mặn, đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái. Đến thời điểm hiện tại, sản xuất và sinh hoạt của người dân vẫn đảm bảo.

 


Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thanh Bình, ngày 5/3, qua đo độ mặn tại cửa vàm Bình Thủy, Thanh Lương, Thái Bình, độ mặn đã giảm còn 0,2-0,3‰. Do đó, địa phương thông báo đến trưởng ấp 12 ấp và người dân trong xã mở tất cả các nắp cống, bộng trên phần đất của mình để lấy nước rửa mặn. Đồng thời, lưu ý người dân chủ động lượng nước vừa đủ khi lấy vào các ao, mương vườn để hạn chế tình trạng ngập úng cây trồng.

Đồng thời, sau khi mở nắp cống, bộng để lấy nước rửa mặn thì không nên tưới cho cây trồng ngay, mà cần phải kiểm tra nguồn nước trong các ao trữ nước xem nồng độ mặn đã thực sự hết hẳn hay chưa trước khi tưới. Song song đó, thực hiện kiểm tra tu sửa các nắp cống, bộng bị hư hỏng, nạo vét các ao, mương vườn để chuẩn bị lấy nước trữ ngọt. Thường xuyên kiểm tra độ mặn trong các ao, mương vườn, đề phòng nước mặn có thể xâm nhập trở lại. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình XNM để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), XNM tại ĐBSCL mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt XNM tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3-4 (từ ngày 10-15/3; 29/3-2/4); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4 (từ ngày 10-15/3; 29/3-2/4; 27/4-1/5). Tình hình XNM ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh