(VLO) Giữa phố xá hiện đại, những gánh hàng rong như nét ký họa hiếm hoi, tuy cũ kỹ, mộc mạc nhưng chẳng thể nhạt phai. Người ta có thể lướt qua một gánh hàng rong mà chẳng kịp ngoảnh lại. Bởi ánh nhìn vô tình thì làm sao thấy được điều mà người phụ nữ ấy đang âm thầm mang theo? Là gánh hàng kia quá nặng hay cuộc đời sau dáng lưng ấy đã mòn theo năm tháng mưu sinh?
![]() |
Có những gánh đời chẳng va vào nhau, nhưng lại cùng một nhịp thở, nhịp của mưu sinh. |
Giữa phố chợ tấp nập người mua kẻ bán, có một đôi thúng trái cây miệt vườn được đặt ngay ngắn bên lối ra vào. Đó là chỗ ngồi quen thuộc của chị Nguyễn Thị Thoa (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ)- người phụ nữ mỗi ngày đều bưng trái cây từ cù lao An Bình qua phố chợ.
Tờ mờ sáng, chị Thoa xếp gọn trái cây hái từ chiều hôm trước, lỉnh kỉnh bưng ra bến phà, qua sông, rồi men theo con đường quen dẫn vào chợ, tìm đúng vị trí cũ để ngồi bán đến cuối ngày.
Trái cây chị bán “mùa nào thức nấy”, khi thì nhãn, khi thì quýt, hôm là chôm chôm sót lại sau mùa. Chủ yếu chị hái từ 3-4 công vườn nhà, cũng có khi là hàng xóm gửi bán giùm.
“Người ta không ai ra chợ được, mình bưng giùm luôn, tiền lời chẳng bao nhiêu. Nhưng cực mấy cũng ráng, miễn mấy đứa nhỏ được ăn học tới nơi tới chốn, không phải ngồi chợ sớm chiều như mình”- chị nói, nhẹ hều, nhưng nghe như dằn xuống bao nhiêu mỏi mệt.
Mỗi thúng trái cây được chị lót một lớp lá chuối tươi, xanh non, mới cắt từ vườn. Lá lót bên dưới, gói ghém trái không trầy xước, nhìn vào là thấy sạch sẽ, tươm tất.
Chị không nói ra, ai cũng hiểu chị gửi cái tình miệt vườn vào từng thúng hàng bưng ra phố. Nhìn cách chị nhanh nhẹn bưng từng thúng trái cây, người ta tưởng việc này chẳng mấy nhọc nhằn.
Nhưng có lẽ, cái mỏi không nằm ở tay, mà ở quãng đường chị đi qua mỗi ngày- từ vườn ra bến, từ phà qua phố, từ yên tĩnh sang náo nhiệt, rồi chiều lại quay về với vườn tược, cơm nước cho các con, lo trong lo ngoài. Một vòng tròn ngày nối ngày, không phiêu lưu, không lạ lẫm, nhưng ròng rã và bền bỉ như con nước đầy vơi.
Chợ vẫn ồn, phố vẫn đông. Giữa những ngả đường luôn có những đôi chân âm thầm nối tiếp nhau- người này lùi, người kia bước tới. Có những gánh đời chẳng va vào nhau, nhưng lại cùng một nhịp thở, nhịp của mưu sinh, của buổi sương sớm đèn khuya, của tiếng rao lẩn khuất giữa những dòng xe.
Cách phố chợ không xa, gánh chè của cô Út Thanh (ngụ tại Phường 5, TP Vĩnh Long) vẫn đều đặn hiện diện ở khúc đường cũ như một nhịp thở bình dân giữa phố. Cô gánh một đôi quang gánh: một đầu là nồi chè đậu trắng, chè thưng thơm lựng đặt trên bếp lò đỏ than; đầu còn lại đựng chè đã chia sẵn vào bịch, ly muỗng… đủ khiến đôi vai phải mỏi.
Tôi nhấc thử đôi gánh, chẳng nhúc nhích nổi, đành chịu thua. Cô cười giòn: “Thấy hông, tưởng nhẹ hả con!”. Đúng vậy, cái gánh chè hơn 20 tuổi đâu chỉ nặng hơn chục ký, mà nặng hơn vì mang theo cả những mùa nắng mưa, ký ức tuổi xuân và những giọt mồ hôi đời người để lại.
![]() |
![]() |
Giữa phố thị tấp nập, những gánh hàng rong vẫn mang màu hoài niệm. |
“Hồi mới về nhà chồng, má dạy nấu chè. Nấu riết ghiền mùi nếp chín, giờ nghỉ một bữa cũng nhớ. Khách quen, ai cũng thích mùi chè chớ không chỉ thích mỗi tui đâu”- cô cười giọng ngọt như vị chè vừa chan nước cốt.
Hôm trời mưa, cô nép gánh vào hiên nhà người quen. Mái tôn gõ lộp bộp, than đỏ còn âm ỉ, nồi chè nghi ngút khói. Cô ngồi đó, mắt dõi ra đường, vừa như chờ khách vừa như xem phố hôm nay còn nhớ mình không. Trên vai áo ấy, một vết hằn do đòn gánh để lại như vết khâu âm thầm của thời gian lên tấm lưng đã còng vì những ngày mưu sinh.
Đi qua phố thị, người ta thường thấy những gánh hàng rong và nghĩ đến những người phụ nữ lam lũ. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, sẽ thấy họ không chỉ là những người bán hàng, mà là người giữ ký ức của phố, nhịp thở của miệt vườn, lòng kiên nhẫn của một đời người.
Không phải ai quảy gánh mới oằn lưng. Nếu nhìn gánh hàng rong bằng mắt thì có thể tưởng tượng được sức nặng. Nhưng nhìn bằng lòng, mới thấy cái nặng đó là năm tháng chất chồng, là nghĩa tình, là cả một cuộc đời với từng bước chân dầm sương đội nắng. Họ không chỉ mang gánh mưu sinh, mà còn gồng gánh cả những ước mơ bình dị.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin