Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn vừa tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển cam sành (CS) bền vững trên đất lúa tại huyện Trà Ôn”.
Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Tấn Anh- Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học công nghệ và tư vấn đầu tư phát triển; TS Nguyễn Chí Cương- giảng viên Trường Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ, cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, Trà Ôn hiện có 10.389ha CS được trồng tập trung nhiều nhất ở các xã Thới Hòa, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tân Mỹ, chiếm 53% diện tích CS toàn tỉnh, trong đó có 79,8% diện tích đang cho trái; có 11 vùng trồng CS với 90,6ha được cấp mã số vùng trồng, 10ha được chứng nhận VietGAP và trên 100ha được chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có 9 HTX trồng và thu mua CS, trong đó có 3 HTX được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao; đến cuối năm 2024, có 58 cơ sở thu mua CS, trong đó có 7 HTX và 51 cơ sở tư nhân cùng với các cơ sở thu mua nhỏ lẻ, thương lái truyền thống với sản lượng thu mua khoảng 1.200-1.300 tấn/ngày, cơ bản đáp ứng việc tiêu thụ CS trên địa bàn.
Diện tích trồng CS giai đoạn 2015-2024 liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2019-2023 tăng với tốc độ nhanh và thay thế cây lúa trở thành cây trồng có diện tích lớn nhất toàn huyện với hơn 10.400ha, tăng hơn gấp 4 lần so năm 2015. Tuy nhiên tính đến tháng 12/2024 diện tích này đã giảm xuống còn 10.389ha.
Năng suất không ngừng được cải thiện từ 33,6 tấn/ha (năm 2019) lên 69-70 tấn/ha (năm 2023), cá biệt có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha (tăng gấp 3 lần so năm 2019). Hiện sản lượng CS trên địa bàn huyện đạt trên 450.000 tấn/năm; nếu sản xuất rải vụ quanh năm thì trung bình 1 ngày nông dân Trà Ôn bán ra thị trường khoảng trên 1.200 tấn.
Khó khăn hiện tại là giá bán và lợi nhuận CS giảm 3-4 lần so năm 2015; CS chỉ tiêu thụ nội địa chưa xuất khẩu chính ngạch vì vậy chưa khai thác hết tiềm năng và giá trị; trên địa bàn chưa có cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm từ CS, vì vậy sản phẩm chưa có sự đa dạng, chủ yếu là bán CS trái.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất CS trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp huyện tập trung nâng cao kỹ thuật canh tác cho người sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung quy hoạch sản xuất, quản lý chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; khuyến cáo diện tích CS chính vụ 40%, CS rải vụ thu hoạch 60% và sử dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như sử dụng giống sạch bệnh, nguồn gốc rõ ràng.
TRÚC MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin