TỔ CHỨC LẠI CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH:
Đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả

07:27, 21/02/2025
Trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm giám đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Ảnh: TẤN PHONG
Trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm giám đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Ảnh: TẤN PHONG

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã quyết định nhiều vấn đề cấp bách về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh. Trong đó, đã thống nhất ban hành Nghị quyết (NQ) số 207/NQ-HĐND ngày 17/2/2025 Quyết định thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long.

Ngay sau đó, ngày 18/2/2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, để “hoạt động ngay, không để có khoảng trống pháp lý, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả”- theo như lưu ý của ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. 


Trên cơ sở thực hiện NQ số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị hành chính cấp xã cơ bản được tinh gọn, việc phân công, phân cấp, phân quyền cơ bản hợp lý và đi vào hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn đặt ra ngày càng cao hơn, phức tạp hơn, nhất là yêu cầu cao hơn đối với công tác quản lý nhà nước. Do đó, “việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ hết sức quan trọng cấp bách, cần sớm thực hiện. Vì vậy việc ban hành NQ tại kỳ họp này là hết sức cần thiết”- ông Nguyễn Minh Dũng nhấn mạnh. 


Qua nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế trình HĐND tỉnh tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và thống nhất cao về sự cần thiết và nội dung dự thảo NQ, HĐND tỉnh đã thống nhất biểu quyết thông qua NQ về Quyết định thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long.


NQ quyết định việc duy trì, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, gồm: Sở Văn hóa-TT-DL; Sở GD-ĐT; Sở Tư pháp; Sở Y tế; Sở Công Thương; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh. Đồng thời, thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. 


Cụ thể, tổ chức lại Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động-TB-XH và Sở Nội vụ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, BHXH, bình đẳng giới từ Sở Lao động-TB-XH; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Sở Lao động-TB-XH sang Sở GD-ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Công an tỉnh) từ Sở Lao động-TB-XH sang Sở Y tế; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động-TB-XH sang Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT). Sau khi tổ chức lại, Sở Nội vụ có 8 tổ chức, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) thuộc và trực thuộc; gồm 5 phòng và 3 ĐVSN, giảm 13 đơn vị, đạt 52,94%.


Bên cạnh, tổ chức lại Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở GT-VT và Sở Xây dựng, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở Xây dựng và Sở GT-VT; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở GT-VT về Công an tỉnh. Sau khi tổ chức lại, Sở Xây dựng có 10 tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc; gồm 5 phòng và 5 ĐVSN, giảm 8 đơn vị, đạt 44,44%.


Cùng với đó, tổ chức lại Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở KH-ĐT và Sở Tài chính, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở KH-ĐT và Sở Tài chính. Như vậy, Sở Tài chính có 8 tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc; gồm 7 phòng và 1 ĐVSN, giảm 6 đơn vị, đạt 42,86%.


Tổ chức lại Sở KH-CN trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin-TT và Sở KH-CN, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở KH-CN và Sở Thông tin-TT; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin-TT sang Sở Văn hóa-TT-DL. Theo đó, Sở KH-CN có 6 tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc; gồm 4 phòng, 1 chi cục và 1 ĐVSN, giảm 5 đơn vị, đạt 45,45%.


Bên cạnh đó, tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Y tế hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động-TB-XH. Tổng số tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc Sở Y tế là 15; gồm 4 phòng và 11 ĐVSN. Chuyển 8 trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý, giảm 4 đơn vị, trong đó tổ chức hành chính đạt 42,86%, ĐVSN trực thuộc đạt 8,33%.


Tổ chức lại Sở Công Thương trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương hiện nay và tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường từ Bộ Công Thương. Như vậy, tổng số tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc là 6; gồm: 4 phòng, 1 chi cục và 1 ĐVSN, giảm 4 đơn vị, đạt 40%.


Song song đó, tổ chức lại Sở GD-ĐT trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở GD-ĐT hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về GDNN từ Sở Lao động-TB-XH và tiếp nhận nguyên trạng trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên từ UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi tổ chức lại, tổng số tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc là 48; gồm: 5 phòng, 43 ĐVSN. Trong đó, tiếp nhận tăng thêm 8 trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên cấp huyện, giảm 3 phòng thuộc sở, theo đó tổ chức hành chính đạt 37,5%, ĐVSN trực thuộc đạt 18,18%.


Đồng thời, tổ chức lại Sở NN-MT trên cơ sở hợp nhất Sở TN-MT và Sở Nông nghiệp-PTNT, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở Nông nghiệp-PTNT và Sở TN-MT và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động-TB-XH. Như vậy, tổng số tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc là 13; gồm: 3 phòng, 5 chi cục và 5 ĐVSN, giảm 8 đơn vị, đạt 38,1%. 


Ngoài ra, tổ chức lại Sở Dân tộc- Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc. Tổng số tổ chức thuộc sở là 2 phòng, tăng 200%. 

Đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua các dự thảo nghị quyết tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua các dự thảo nghị quyết tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.


Tổ chức lại Sở Văn hóa-TT-DL trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Văn hóa-TT-DL hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin-TT. Sau khi tổ chức lại, tổng số tổ chức, ĐVSN thuộc và trực thuộc là 8; gồm 4 phòng và 4 ĐVSN, giảm 3 đơn vị, đạt 33,33%.


HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện NQ; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo thẩm quyền; giao thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện NQ; đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp giám sát việc thực hiện NQ.


Ông Nguyễn Minh Dũng lưu ý, cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của UBND tỉnh, ban hành quy chế làm việc, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và thành lập các tổ chức, đơn vị bên trong… các sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh ổn định bộ máy hoạt động.

Bên cạnh, quan tâm giải quyết đảm bảo về chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nghỉ việc do sắp xếp, tinh gọn bộ máy; rà soát và có lộ trình sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy theo quy định. Đồng thời, theo dõi kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh