PHỎNG VẤN:
Xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, khó lường

07:59, 18/02/2025

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan với mức độ và cường độ lớn như nắng nóng kéo dài, hạn mặn, mưa, ngập lụt diện rộng xảy ra ngày càng nhiều. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, sau đó hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái trung tính.


Tại Vĩnh Long, thời tiết cũng đã có những thay đổi. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, để làm rõ những chuyển biến thời tiết sắp tới.

 


 

* Xin ông cho biết đặc điểm chung về thời tiết của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua?
 

- Từ đầu năm đến nay, do đang trong giai đoạn mùa khô nên trên địa bàn tỉnh chủ đạo là thời tiết nắng ráo và ít mưa. Theo đó, nhiệt độ trung bình trong tháng 1 là 25,7OC, ở mức thấp hơn 0,5OC so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, nửa đầu tháng 2 là 26,2OC, ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 2 phổ biến ở mức thấp hơn, ngoại trừ một số nơi như Vũng Liêm, Mang Thít cao
hơn TBNN.

Đợt không khí lạnh vào ngày 9/1 đã khuếch tán sâu xuống phía Nam làm cho nhiệt độ giảm đáng kể. Đáng chú ý, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được là 18,9OC, là giá trị nhiệt độ thấp nhất so với cùng kỳ quan trắc trong 10 năm trở lại đây. 

* Thời điểm này Vĩnh Long còn có đợt không khí lạnh và một số nơi xuất hiện một số cơn mưa trái mùa. Xin ông cho biết nguyên nhân và dự báo tình hình thời tiết trong thời gian tới?
 

- Trong nửa đầu tháng 2 đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh vào ngày 1/2 và ngày 7/2, do đó nền nhiệt độ vào ban đêm và sáng sớm giảm làm cho không khí trở nên se lạnh. 

Những ngày qua, khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nâng lên phía Bắc có trục khoảng 10-13 độ Vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào sáng ngày 12/2 hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông. Tuy áp thấp nhiệt đới này chỉ hoạt động trên vùng biển và thời gian tồn tại không lâu cùng với rãnh áp thấp ngay trên khu vực Nam Bộ hội tụ gió, ẩm chính là nguyên nhân làm cho mây giông phát triển và đẩy hơi ẩm từ biển vào đất liền gây mưa trái mùa vào giữa tháng 2.

Nhận định, từ nay đến cuối tháng 2, khả năng còn xảy ra một số ngày có mưa trái mùa trên địa bàn tỉnh, cục bộ có nơi mưa vừa. Trong mưa giông có khả năng còn kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh.

* Xin ông cho biết thêm về dự báo mùa nắng nóng năm nay so với năm 2024?
 

- Thời điểm giữa tháng 2/2024 nắng nóng đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh với đợt nắng nóng đầu tiên kéo dài trong 3 ngày và mùa nắng nóng năm 2024 cũng ghi nhận nhiều kỷ lục về số ngày xuất hiện và cường độ nắng nóng.
Tuy nhiên, hiện nay, không khí lạnh vẫn còn liên tục được tăng cường và bổ sung xuống nước ta, cùng với trạng thái La Nina yếu trong những tháng đầu năm 2025, do đó chúng tôi dự báo rằng nắng nóng năm nay sẽ xuất hiện muộn hơn và không gay gắt như năm trước. Thời điểm xuất hiện nắng nóng vào tháng 3, nhiệt độ cao nhất dự báo trong khoảng 35-37OC.

* Riêng về vấn đề hạn mặn, đến thời điểm này, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra như thế nào, thưa ông? Ông có dự báo gì về tình hình hạn mặn trong thời gian tới? 
 

- Về vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn, đây là 2 vấn đề thường gắn bó mật thiết với nhau, từ cuối năm 2024 khi nhận định tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng như ngành nông nghiệp, căn cứ vào tình hình nguồn nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong; Biển Hồ và các mô hình dự báo thời tiết, chúng tôi đều nhận định diễn biến xâm nhập mặn năm nay sẽ cao hơn TBNN và cùng kỳ năm 2024. Đến thời điểm này đã chứng minh những dự báo trên đã thành hiện thực.

Cụ thể, tại trạm Nàng Âm ngày 28/1 (29/12/2024 âl) đạt 5,8‰ trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ đạt 3,8‰; tại Quới An là 4,3‰ và cùng kỳ là 2,4‰. Theo dự báo trong thời gian tới diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là kỳ xâm nhập mặn cuối tháng 1 đầu tháng 2 âl sẽ là đợt mặn xâm nhập sâu và độ mặn dự báo cao nhất trong năm 2025, đỉnh mặn xuất hiện vào khoảng ngày 25-26/2 (tức ngày 28-29/1 âl) dự báo độ mặn lớn nhất tại trạm Nàng Âm sẽ đạt 7,5‰. 

Với tình hình này nếu các hồ đập ở thượng nguồn không tăng cường xả nước thì tại địa bàn Vĩnh Long sẽ thiếu nước ngọt ở một số thời điểm tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn.

Theo dự báo trong thời gian tới tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo dự báo trong thời gian tới tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

* Trước những dự báo như trên, ông có lời khuyên, cảnh báo gì đối với chính quyền và người dân?
 

- Đối diện với thực tế rằng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm và trực tiếp là mùa khô 2025 này sẽ gay gắt và còn kéo dài cho tới tháng 5, mặc dù chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó cũng như đã có những công trình ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả nhưng cũng không thể chủ quan, nếu nguồn nước ngọt từ thượng nguồn có sự thiếu hụt nhiều kết hợp với kỳ triều thì xâm nhập mặn cao sẽ vào tới những khu vực trước đây chỉ ảnh hưởng rất nhẹ, gây ra thiệt hại lớn, bất ngờ. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo các cấp chính quyền và người dân cần có sự chuẩn bị kỹ, tuân thủ các khuyến cáo, dự báo của cơ quan chức năng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan vận hành công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và người dân trước khi sử dụng nước cần tham khảo độ mặn. 

* Xin cảm ơn ông!
 

THẢO LY (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh