Nguy cơ suy hô hấp, nguy kịch vì cúm

15:33, 09/02/2025
Tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng bệnh.
Tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng bệnh.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, hiện là thời điểm các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có cúm mùa (cúm A và cúm B). Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân (BN) mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.


Suy hô hấp rất nhanh


Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 BN mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt ECMO. Các bác sĩ cảnh báo, đừng nghĩ cúm là bệnh nhẹ.


BN L.V.T. (nam, 58 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Ngoài ra, BN đã từng hút thuốc lá và thuốc lào suốt 30 năm, tuy nhiên, đã bỏ thuốc cách đây 10 năm.


Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, BN bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. BN tự điều trị tại nhà trong suốt một tuần tình trạng không cải thiện. BN nhập viện tại cơ sở y tế và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính.


Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của BN ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản. Sau 4 ngày điều trị, BN hết sốt. Tuy nhiên, 3 ngày gần đây, sốt cao đã tái phát lên tới 39 độ C. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng.


BN được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi BN tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng. Chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí, chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.


Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, BN được chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau khi đặt ECMO, các chỉ số sinh tồn của BN tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ

.
Không chủ quan với bệnh cúm


Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.


Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc nhổ. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 289.876 ca mắc, 8 ca tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm chính là viêm phổi.


Hiện nay, thời tiết ở Vĩnh Long đang trong thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có thể chênh nhau từ 8-10 độ C. Thời tiết ngày nóng, đêm lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.


Theo các bác sĩ, virus cúm liên tục biến đổi, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Dù vậy, hầu hết các trường hợp cúm sẽ tự khỏi trong 5-7 ngày nếu được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. 


“Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính có nguy cơ biến chứng cao như viêm phổi hoặc nhiễm trùng. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm, đừng đợi đến khi cúm tăng trong cộng đồng mới đi tiêm ngừa là cách phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe cả gia đình. Bởi sau khi tiêm khoảng 2 tuần, vaccine mới tạo ra kháng thể bảo vệ”- BS.CK2 Phạm Thị Mai Hậu- Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết.


Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.


Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng việc cấp cứu tiên lượng rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Ngành y tế Vĩnh Long khuyến cáo mỗi người nên phòng ngừa cúm bằng cách tiêm vaccine hàng năm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền... Chú ý vệ sinh hầu họng, răng miệng, tay hàng ngày; đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị bệnh kịp thời.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh