Là huyện có vùng nuôi cá lồng bè lớn nhất tỉnh, chiếm 98% tổng số lồng bè, thời gian qua, huyện Long Hồ đã triển khai nhiều mô hình trong lĩnh vực thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng, điều kiện sinh thái địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Mô hình nuôi lươn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi. |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Long Hồ đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn sinh học, nâng cao giá trị kinh tế, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
Trong năm 2024, toàn huyện có trên 119 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá thát lát cườm, cá lóc, cá tai tượng,... Trong đó “Mô hình nuôi ếch trong bể xi măng và nuôi trong vèo” mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân và đang tập trung phát triển mạnh tại các xã Tân Hạnh, Hòa Phú, An Bình, Bình Hòa Phước và Đồng Phú.
Lợi nhuận trung bình đạt 4-6 triệu đồng/mô hình/2.000 con. Đây là mô hình được đánh giá ít rủi ro, thời gian nuôi ngắn, khoảng 2-2,5 tháng, có thể xuất bán nên người nuôi dễ quay vòng vốn để tái đầu tư vụ kế tiếp. Bên cạnh đó, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, bể lót bạt được duy trì, phát triển và nhân rộng tại các xã Phú Đức, Thanh Đức, Đồng Phú, Bình Hòa Phước…
Anh Võ Thanh Long (ấp Phú Thạnh 4, xã Đồng Phú) nuôi lươn không bùn trong bể xi măng được 6 năm. Từ ban đầu thả 10.000 con giống, đến nay phát triển 15 bể với 60.000 con. Anh Long cho biết: “Tôi thu hoạch lươn xoay vòng quanh năm, mỗi lần khoảng 500kg, thời điểm giá khoảng 100.000 đ/kg thì trừ hết chi phí, người nuôi sẽ lời được 30%”.
Chú Võ Hữu Khoái- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thạnh 2, xã Đồng Phú, cho biết: “Tôi có hơn 2 công vườn trồng chôm chôm, mương vườn thả 500 con cá tai tượng để tăng thêm thu nhập. Chi hội nghề nghiệp nuôi cá tai tượng ấp Phú Thạnh 2 được thành lập từ năm 2019 với 15 thành viên. Tận dụng vườn nhà, mỗi hộ thả khoảng 1.000-2.000 con. Hiện tại giá cá đang lên, khoảng 50.000 đ/kg, bà con mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục nuôi cá”.
Theo ngành nông nghiệp huyện Long Hồ, hiệu quả nổi trội từ việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế thì phải nói đến sức lan tỏa từ “Mô hình áp dụng công nghệ cao lắp đặt hệ thống cho cá ăn tự động” đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường như: quản lý hệ số tiêu thụ thức ăn trên trọng lượng cá hiệu quả hơn, không để dư lượng thức ăn tránh ô nhiễm môi trường và đặc biệt hạ giá thành sản xuất, lợi nhuận được tăng cao.
Cụ thể, mô hình ứng dụng công nghệ cao lắp đặt hệ thống cho cá ăn tự động trên 30 bè nuôi cá điêu hồng giống và cá chép tại xã Đồng Phú. Chỉ cần sử dụng điện thoại là có thể cho cá ăn (đúng cữ, chia nhỏ cữ ăn) nên đã tiết kiệm rất nhiều về thời gian, nhân công và quan trọng là hạn chế thất thoát thức ăn do cá ăn được nhanh hơn, lượng thức ăn vừa đủ đảm bảo chất lượng, không gây lãng phí lại giảm ô nhiễm nguồn nước.
Từ đó, giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư trong quá trình nuôi thủy sản, đảm bảo lợi nhuận ổn định, an tâm tái đầu tư. Đồng thời, phù hợp với xu thế các hộ nuôi sản xuất theo hướng an toàn, sạch bệnh.
Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi thủy sản, việc nuôi một số loại thủy sản cũng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như chưa có nguồn giống chất lượng cao, tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước nuôi. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá cả không ổn định khiến người nuôi cũng ngán ngại tái sản xuất.
Anh Võ Thanh Long chia sẻ: “Nuôi lươn không bùn cần phải có con giống tốt, đồng thời nguồn nước sông cũng phải qua xử lý thật kỹ. Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ nguồn vốn và nếu có đầu ra ổn định thì người dân yên tâm mà làm, phát triển kinh tế gia đình”.
![]() |
Người nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận. |
Ông Nguyễn Thanh Tâm- Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (huyện Long Hồ) cho biết: Việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực thủy sản là phát huy hiệu quả diện tích nuôi cá tra thâm canh, cá lồng bè và phát triển các mô hình thủy sản thâm canh có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó, tập trung thế mạnh phát triển cá lồng bè như cá điêu hồng, cá chim trắng, cá chép giòn, cá xát sọc,... kết hợp gắn với du lịch miệt vườn tại xã cù lao.
Phát triển sản xuất cá tra ao xuất khẩu với diện tích 72,9ha trên địa bàn xã. Vận động nông dân tăng cường thả cá mương vườn như cá tai tượng nhằm tận dụng diện tích quanh nhà, tăng thu nhập cho nông hộ tại các xã. Đặc biệt phát triển các đối tượng thủy đặc sản như lươn ở 10 ấp. Đồng thời, thực hiện liên kết sản xuất giữa các điểm ương giống tại các ấp (Phú Thuận 1 và Phú Thuận 2 ) với các hộ nuôi cá lồng bè ở ấp (Phú Thạnh 3, Phú Thạnh 4, Phú Hòa 2 và Phú Thuận 2) và gắn với liên kết giữa các công ty nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện Long Hồ tiếp tục phát triển sản xuất thủy sản theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, chuỗi sản xuất liên kết khép kín. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin