(VLO) Theo ngành y tế Vĩnh Long, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng. Để phòng bệnh sởi, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế. Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
![]() |
Bệnh sởi nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. |
Bệnh sởi tiếp tục tăng
Theo CDC Vĩnh Long, tính đến đầu tháng 2/2025, toàn tỉnh ghi nhận 75 ca mắc sởi, tăng 74 ca so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tuần 5 từ 27/1-2/2, Vĩnh Long ghi nhận 39 ca mắc sởi tăng 31 ca so với tuần trước đó.
Ngành y tế cho biết, hiện bệnh sởi đang có xu hướng tăng tập trung chủ yếu tại các khu vực dư biến động dân cư cao, mật độ dân số lớn ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Và đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh. Dự báo trong thời gian tới tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Chăm con điều trị bệnh sởi tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, chị N.N.T. (huyện Long Hồ) thở dài: “Nay bé bớt rồi, chứ 2 bữa trước sốt cao, ngủ li bì. Con hết bệnh, chị về sẽ đưa con đi chích ngừa, chứ nhìn con bệnh, xót xa quá”.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virus có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí.
Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Bệnh sởi có thể lây lan và có thể bùng phát trong cộng đồng.
“Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong.
Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó”- BS Chí Công cho biết.
Phải triển khai tiêm vaccine sởi ngay
Các bác sĩ liên tục nhấn mạnh, tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất giúp chủ động phòng bệnh sởi. Trường hợp mắc bệnh sau tiêm sởi (hiếm gặp) cũng sẽ bị bệnh nhẹ và nhanh bình phục hơn những người chưa tiêm vaccine.
Trước diễn biến của bệnh sởi gia tăng, theo ngành y tế Vĩnh Long sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh phát hiện và cách ly kịp thời ca nghi ngờ để ngăn chặn bùng phát thành dịch trong cộng đồng đồng thời tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ trong độ tuổi quy định.
“Ngành y tế khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động đưa con mình đến trạm y tế và các cơ sở tiêm chủng tiêm vaccine có thành phần sởi đúng lịch, đủ liều để tránh những trường hợp đáng tiếc do không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Trạm y tế các địa phương, cần tăng cường rà soát các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, vận động phụ huynh đưa con đến tiêm chủng vaccine sởi”- Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân cho biết.
Tai cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về tăng cường phòng, chống bệnh sởi và bệnh cúm vào ngày 12/2, TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh, thành đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng; triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh sởi và theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị...
Đồng thời, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong các bệnh viện; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, có phòng cách ly đối với những người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như cúm, sởi.
Về bệnh sởi, theo đánh giá của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ở khu vực phía Nam bệnh còn diễn tiến phức tạp. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương rà soát lại đối tượng để tiếp tục tiêm bổ sung vaccine; đánh giá sát nguy cơ để triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi- 9 tháng tuổi.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách là vô cùng quan trọng. Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, cách ly bệnh nhân sởi, vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người là các biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh”- BS.CK2 Trần Chí Công cho biết. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin