Tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xem có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những về mặt chính trị, xã hội, pháp lý mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử trong một thời điểm rất quan trọng của đất nước khi thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, một trong những thay đổi lớn nhất của 2 dự thảo luật lần này là đổi mới tư duy trong xây dựng dự án luật, theo hướng luật chỉ quy định các nguyên tắc chung, mang tính nền tảng, nhằm đảm bảo tính ổn định và khả năng thích ứng lâu dài. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong tư duy xây dựng luật, tránh việc quy định quá chi tiết gây cản trở khi thực hiện trong thực tiễn.
Một điểm mới quan trọng của 2 dự án luật là quy định rõ nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Theo đó, phân quyền được quy định trong luật, phân cấp được điều chỉnh qua các văn bản quy phạm pháp luật, còn ủy quyền được xác định bằng các văn bản hành chính. Đồng thời xác định rõ đối tượng, phạm vi và trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Cách tiếp cận này đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tham gia thảo luận về 2 dự án luật này, đại biểu cho rằng, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị cần ban hành một nghị định quy định về “phân cấp, phân quyền” theo hướng rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ để các “chủ thể phân cấp, phân quyền” và “chủ thể được phân cấp, phân quyền” dễ dàng triển khai thực hiện thông suốt, hiệu quả.
Đại biểu rất đồng tình với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời đề xuất bổ sung cơ chế giám sát, đảm bảo việc thực thi hiệu quả, tránh những bất cập có thể phát sinh. Theo đó, trong phân cấp, phân quyền phải có một cơ chế cụ thể, nếu không đưa vào luật cũng phải đưa vào quy định để người được phân quyền, ủy quyền và giao thẩm quyền đó họ dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc đó.
Đại biểu cho rằng, luật đã quy định khung, thì nghị định cũng phải rành mạch, rõ ràng trong vấn đề này, để dễ cho khâu thực hiện cũng như người có quyền được phân quyền, ủy quyền thực hiện tốt. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực phát triển đất nước.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin